Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, hoạt động thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước diễn ra sôi động, cùng với đó là tội phạm và các vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) cũng tăng lên.

Những hình thức gian lận thuế NK phổ biến hiện nay có thể điểm qua như:

Thứ nhất, thất thu thuế qua gian lận trị giá tính thuế; phân loại và áp mã hàng hóa; Khai báo xuất xứ đối với hàng hóa XK, NK.

- Cơ sở tính thuế đối với hàng hóa NK là giá bán được tính đến cửa NK đầu tiên, bao gồm cả chi phí vận tải F và phí bảo hiểm I (giá CIF). Theo đó, với cơ chế tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tự ý hoặc thông đồng với người bán điều chỉnh trị giá giao dịch của hàng hóa NK về mức thấp nhất có thể trên hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại nhằm giảm số thuế NK phải nộp.

- Điều 7 Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT), đã tạo điều kiện thuận lợi nhiều cho DN song trên thực tế nhiều DN đã lợi dụng chính sách đó để trốn, lậu thuế với các hình thức như:

+ Khai giá thấp so với giá thực tế, khai sai tên hàng, sai kích thước của mặt hàng thực nhập, gian lận trong hàng khuyến mại...

+ Lợi dụng việc được trừ các khoản được trừ: Đây chính là điểm để các DN lợi dụng tối đa khoản được trừ để khai báo hải quan.

+ Chia nhỏ linh kiện, phụ tùng của sản phẩm nguyên chiếc để gian lận giá: Lợi dụng chính sách thuế hiện hành thuế suất đối với linh kiện hoặc nguyên liệu nhập khẩu thấp hơn hàng nguyên chiếc nhập khẩu do vậy thủ đoạn này được thực hiện bằng cách lập nhiều công ty khác nhau hoặc móc nối giữa các công ty với nhau và mỗi công ty nhập khẩu một bộ phận cấu thành của hàng nguyên chiếc về các cửa khẩu khác nhau trong các thời điểm khác nhau để tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.

- Công ước quốc tế về hệ thống hài hoà, mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) và Danh mục thuế hải quan hài hòa ASEAN (AHTN) có tính kỹ thuật cao, đòi hỏi người áp dụng phải hiểu về hàng hóa và các quy tắc áp dụng. Thế nhưng, các tài liệu hỗ trợ cho phân loại hàng hoá đến nay vẫn chưa được ban hành công khai. Công tác hỗ trợ pháp luật cho người nộp thuế chưa mang tính chuyên sâu, chuyên nghiệp… Vì vậy, nhiều trường hợp đã phân loại sai, thất thu ngân sách.

- Nhiều lô hàng hoá nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu vận tải trực tiếp theo quy định về xuất xứ nhưng đã được Hải quan cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Nếu áp dụng đúng quy định trong Hiệp định và Thông tư hướng dẫn về xuất xứ thì sẽ dẫn đến số thuế truy thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, thất thu thuế do lợi dụng địa bàn và sử dụng các phương thức thủ đoạn buôn lậu.

Qua công tác nghiệp vụ cho thấy, xu hướng hoạt động buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp với những đặc điểm chủ yếu như:

- Xảy ra nhiều vụ buôn lậu nghiêm trọng, trốn thuế với giá trị lớn; Quy mô hoạt động buôn lậu lớn và có tổ chức liên quan đến nhiều địa bàn của các đơn vị hải quan khác nhau. Cụ thể nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm sau:

+ Tuyến biên giới đường bộ: Địa bàn trọng điểm gồm: Móng Cái - Quảng Ninh; Tân Thanh - Lạng Sơn; Mộc Bài - Tây Ninh... Hàng hóa vi phạm không còn là nhóm hàng tiêu dùng như rượu, thuốc lá, đồ điện tử, điện lạnh... mà đã mở rộng ra nhiều mặt hàng có giá trị lớn như ngoại tệ, vàng, ô tô, gỗ, khoáng sản, xăng dầu... Thậm chí là cả các mặt hàng cấm, ma tuý.

+ Tuyến đường biển: Tập trung vào các địa bàn trọng điểm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh... Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng hình thức tạm nhập - tái xuất để buôn bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, động vật hoang dã, NK hàng hóa không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

+ Tuyến hàng không, bưu điện quốc tế: Tập trung ở một số địa bàn trọng điểm là TP. Hồ Chí Minh; Hà Nội nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài và các tuyến bay trọng điểm như: Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Quảng Châu... Mặt hàng trọng điểm là các loại hàng hoá gọn nhẹ, có giá trị cao như quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, máy tính xách tay... Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là cất giấu hàng hoá trong người, trong hành lý; Tách bill, lợi dụng định mức miễn thuế, hàng quà biếu, quà tặng để vận chuyển trái phép hàng lậu.

Tính đến tháng 6/2014, cơ quan hải quan đã phát hiện xử lý 8.915 vụ, trị giá hàng vi phạm ước tính 168,904 tỷ đồng (tăng 14,3% so với cùng kỳ 2013); Khởi tố hình sự 6 vụ, chuyển các cơ quan khác khởi tố 27 vụ; Thu nộp ngân sách nhà nước 59,652 tỷ đồng.

Thứ ba, thất thu thuế với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất chủ yếu tạm nhập qua cảng Hải phòng, tái xuất đi Trung quốc. Hiện các DN kinh doanh trong lĩnh vực này chủ yếu làm dịch vụ cho DN Trung Quốc, cho nên thường xuyên bị động từ nguồn hàng, thanh toán, chi phí, thời gian…

Cơ chế, chính sách quản lý và thủ tục hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất quá thoáng, nên đối tượng hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa rộng. Trong những mặt hàng tạm nhập tái xuất, có những mặt hàng có nguy cơ thẩm lậu cao như: thuốc lá, rượu ngoại, bia. Cung đường vận chuyển lại dài, thời gian vận chuyển lâu, trong khi đó công tác phối kết hợp giữa cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, còn nhiều sơ hở, nên một số DN đã lợi dụng để bán hàng trong nội địa, xuất hàng không đúng nơi được cho phép…

Thứ tư, thất thu thuế qua lợi dụng hoạt động của các khu kinh tế phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu.

Các DN hoạt động trong một số khu kinh tế cửa khẩu như Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; Cầu Treo; Lao Bảo… được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, hoạt động của các khu kinh tế này chưa phát triển theo đúng như kỳ vọng. Các DN còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Một số DN còn lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để gian lận thương mại, trốn thuế như:

- Bán hàng không đúng tiêu chuẩn, đối tượng được miễn thuế; Cấu kết với DN bên ngoài để giảm giá hàng khi bán hàng vào nội địa nhằm gian lận thuế; Đưa hàng từ khu phi thuế quan xuất đi nước ngoài nhưng tiêu thụ tại nội địa; Tổ chức thu gom hàng mua miễn thuế để đưa vào nội địa tiêu thụ;

- Lợi dụng chính sách miễn thuế đối với xe ôtô NK vào khu phi thuế quan để NK xe ô tô du lịch miễn thuế nhưng thực chất là lưu hành ngoài khu phi thuế quan, việc này gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan Hải quan.

- Công tác thanh khoản tờ khai và hoá đơn bán hàng của các DN trong khu hiện nay còn thực hiện theo phương pháp thủ công. Việc thanh khoản chủ yếu dựa vào số liệu báo cáo của DN, chưa chú trọng việc kiểm tra hàng tồn kho...

Thứ năm, thất thu thuế do lợi dụng loại hình gia công đầu tư.

Qua nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và hoạt động kiểm tra sau thông quan, ngành Hải quan đã phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các hình thức gian lận thương mại trong loại hình gia công, sản xuất XK của nhiều DN FDI trên địa bàn. Hình thức gian lận chủ yếu là các công ty mẹ ở nước ngoài thành lập các DN trong nước để mua nguyên liệu, nhận nguyên liệu gia công; Sau đó, bằng việc khai tăng định mức sản xuất, thanh khoản sai để tiêu thụ số nguyên liệu gian lận vào nội địa, trốn được khoản thuế NK. Ngoài ra, một số DN khai báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, có dấu hiệu gian lận trốn thuế qua hình thức “chuyển giá”.

Thứ sáu, thất thu thuế do chuyển giá, bán phá giá.

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, số lượng DN FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, tuy nhiên số tiền thuế mà các DN FDI nộp vào NSNN chưa tương xứng với thực tế. Thậm chí, có đơn vị nhiều năm báo lỗ xong vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chính là do DN thực hiện chuyển giá.

Ở Việt Nam, hiện nay một số nhà đầu tư nước ngoài (như Intel, Samsung...) đã kiến nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế xác định giá theo nguyên tắc giá thị trường (APA) đối với các giao dịch trong tập đoàn, để xác định thu nhập chịu thuế tại Việt Nam.

Chinh sách ân hạn thuế thời gian gần đây, được xem như là biện pháp "cứu cánh" và là công cụ kinh tế để hỗ trợ DN trong điều kiện khó khăn về vốn. Tuy nhiên, tính hai mặt của chính sách thuế NK đã bộc lộ khá rõ. Nó chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng thất thu thuế!

Nhận diện các hành vi gian lận thuế xuất, nhập khẩu

MAI THỊ VÂN ANH

(Tài chính) Tình hình vi phạm và trốn thuế xuất khẩu, nhập khẩu đang ngày càng tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Để ngăn chặn được tình trạng gian lận thuế trong hoạt dộng xuất nhập khẩu, điều quan trọng hàng đầu là cần nhận diện rõ được các hành vi gian lận của đối tượng nộp thuế.

Xem thêm

Video nổi bật