Nhận diện các vi phạm trốn đóng bảo hiểm

Theo Quốc Túy/daibieunhandan.vn

Từ 1/6/2016, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam được giao chức năng thanh tra đóng, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt cá nhân tối đa là 75 triệu đồng và mức xử phạt với tổ chức, đơn vị gấp đôi là 150 triệu, cũng không đủ sức răn đe. Từ chỗ thực hiện các chế tài đó hiệu lực không cao, đến nay sẽ được đưa vào hình sự hóa trong vi phạm, gian lận trong tham gia đóng và thực hiện chính sách BHXH.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam Trần Đức Long, con số nợ đóng mà BHXH công bố mới là số nơi mà doanh nghiệp báo với cơ quan BHXH, còn thực trạng thì con số lớn hơn rất nhiều, đó là số trốn đóng và đóng thiếu mức rất lớn.

Riêng đối với cơ quan BHXH, thanh tra, kiểm tra khoảng 1.500 doanh nghiệp trong năm 2017, phát hiện ra hàng chục nghìn lao động trốn đóng và không được tham gia hoặc là tham gia thiếu mức không đúng quy định. “Từ đó chúng tôi đã thực hiện truy thu tới hàng trăm tỷ đối với trốn đóng và đóng thiếu mức này” - ông Long cho biết. 

Trong 10 tháng năm 2017, cơ quan bảo hiểm xã hội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 11.804 doanh nghiệp và phát hiện hàng loạt các sai phạm trong việc đóng, hưởng chế các chế độ bảo hiểm. Kết quả thực hiện thanh tra, kiểm tra đã phát hiện doanh nghiệp thường vi phạm: Chậm đóng, thiếu đóng, đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định.

356 doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính với số tiền lên tới 4,863 tỷ đồng. Trước khi thanh tra, kiểm tra số tiền doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là hơn 1.694 tỷ đồng. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp đã nộp lại gần 720 tỷ đồng tiền nợ các loại bảo hiểm.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo ông Long, thứ nhất là hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam là vừa và nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp và việc chiếm dụng quỹ BHXH cũng như là việc trốn đóng xảy ra là thường xuyên; thứ hai là chế tài xử phạt đối với các đơn vị là chưa đủ sức răn đe khi chưa được hình sự hóa và thứ 3 là nhận thức và trách nhiệm của mỗi một tổ chức, cá nhân với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước chưa đầy đủ và không thực hiện hết trách nhiệm của mình. Đặc biệt, sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương là chưa quyết liệt.