Nhận diện tội phạm ngân hàng

Hồng Nhung

(Tài chính) Bên cạnh những "điểm nghẽn" như nợ xấu, sở hữu chéo… thì hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với một nỗi lo khác – tội phạm ngân hàng, vốn đang ở mức báo động.

Tội phạm ngân hàng đã gây thiệt hại hàng chục hàng tỷ đồng cho nền kinh tế. Nguồn: internet
Tội phạm ngân hàng đã gây thiệt hại hàng chục hàng tỷ đồng cho nền kinh tế. Nguồn: internet

Vấn đề nhức nhối

Theo thống kê của ngành Công an, dù chỉ chiếm 0,22% trong tổng số các vụ phạm tội nhưng mức độ thiệt hại của các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng lại chiếm tới 60%. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại trực tiếp tới chính lợi nhuận của ngân hàng mà còn gây ra nhiều hậu quả kinh tế rất nghiêm trọng. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn và trừng trị nhưng loại hình tội phạm này vẫn chưa có dấu hiệu giảm và ngày càng tinh vi hơn.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tội phạm trong lĩnh vực này bao gồm tội phạm bên ngoài ngân hàng và tội phạm nội bộ ngân hàng. Theo đó, loại tội phạm bên ngoài ngân hàng chủ yếu là về công nghệ và có mức độ gia tăng nhanh chóng. Trên thực tế, do trình độ kỹ thuật thấp nên hệ thống bảo mật ngân hàng như thẻ thanh toán, ATM, e-banking… còn yếu kém và là mục tiêu của tội phạm công nghệ cao. Với nhiều thủ đoạn tinh vi và kỹ thuật hiện đại, hàng loạt vụ đột nhập ăn cắp tài khoản đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng Việt Nam.

Bộ Công an cho biết, trong năm 2012, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xác minh, điều tra 261 đầu mối vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật với tổng thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng. Trong đó đã xác lập 44 chuyên án, 217 vụ việc và vụ án. Trong những tháng đầu năm 2013, cơ quan chức năng đã xử lý 17 vụ việc mới, tổ chức xác minh, giải quyết 22 vụ việc, trong đó đã điều tra, khởi tố 2 vụ án, khởi tố bắt giam 34 bị can.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu như tội phạm công nghệ cao làm thiệt hại về kinh tế cho các ngân hàng rất lớn thì loại tội phạm trong nội bộ ngân hàng lại nguy hiểm hơn bởi mức độ tinh vi, khó phát hiện và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Khảo sát của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng cho thấy, trong 117 bị can bị khởi tố thì có tới 81 bị can là cán bộ ngân hàng (chiếm 69,2%). Còn lại là các đối tượng ngoài ngành ngân hàng đã thông đồng cùng các cán bộ trong ngân hàng phạm tội. Ước tính, số tiền thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền vi phạm được thu hồi không đáng kể và chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Nhiều cán bộ ngân hàng suy thoái đạo đức đã dùng nhiều thủ đoạn, câu kết làm khống hồ sơ, nhận hối lộ, tham nhũng, câu kết với các đối tượng bên ngoài… nhằm trục lợi cá nhân. Điều này dẫn đến hệ quả là chỉ sau một thời gian giải ngân thì chủ đầu tư lộ rõ khả năng yếu kém của mình, mất khả năng thanh toán nợ vay và ngân hàng gánh lấy những khoản nợ xấu ngày càng tăng.

Nhận diện tội phạm ngân hàng

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng trở thành vấn đề rất đáng lưu ý với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo đó, có 6 nguyên nhân chính khiến cho tình trạng tội phạm ngân hàng càng ngày càng gia tăng.

Thứ nhất, là do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước suy giảm, hoạt động đầu tư, thương mại và sản xuất kinh doanh trì trệ kéo theo những khó khăn trong hoạt động tài chính, ngân hàng nên vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng có chiều hướng gia tăng.

Thứ hai, hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng còn hạn chế, có lúc, có nơi chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đang hội nhập ngày càng sâu, rộng, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Hơn nữa, hệ thống công nghệ, năng lực quản trị rủi ro và trình độ cán bộ của một số ngân hàng hiện nay còn bất cập, trong khi đó các loại tội phạm mới, nhất là tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và chưa được cảnh báo kịp thời.

Thứ ba, vì sức ép lợi nhuận, sức ép thành tích nên một số ngân hàng đã nới lỏng điều kiện tín dụng, không tuân thủ nghiêm túc một số trình tự, thủ tục, quy định cho vay; không chuyển nhóm nợ theo quy chế; cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không đủ thủ tục pháp lý…

Thứ tư, sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ, thậm chí có cả cán bộ cấp cao của ngân hàng. Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành của một số tổ chức tín dụng còn buông lỏng quản lý và chưa thực sự quan tâm, chưa có biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm có hiệu quả. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ nhân viên có nơi, có lúc còn làm chưa tốt.

Thứ năm, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển nhanh, đa dạng, phức tạp và tình hình tham nhũng, tội phạm cũng ngày càng tinh vi.

Thứ sáu, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, mặc dù đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực và tội phạm; nhiều vụ việc phát sinh không được phát hiện kịp thời. Việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với các đơn vị thanh tra, giám sát ngân hàng có thời điểm chưa được kịp thời, nhất là trong việc phối hợp thu hồi tài sản thất thoát, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm…

Trong bối cảnh đó, để chủ động trong công tác phòng, chống tội phạm, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các tội phạm ngân hàng; chú trọng chất lượng nhân sự cả về chuyên môn và đạo đức; tăng cường kiểm tra, giám sát… Cùng với đó, để phòng chống loại hình tội phạm công nghệ cao, ngân hàng đã lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các điểm rút tiền ATM, nâng cấp hệ thống bảo mật…

Trong thời gian tới, để phòng chống hiệu quả loại tội phạm ngân hàng, giữa các cơ quan, đơn vị quản lý như cơ quan thuế, công an… cần có sự chung tay vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ và trong công tác cho vay, huy động vốn và kinh doanh ngoại hối cũng như các dịch vụ liên quan.

Trên thực tế, ngoài những nguyên nhân do sự yếu kém nghiệp vụ và thiếu trách nhiệm của một số cán bộ ngân hàng thì khung kiểm tra, kiểm soát nội bộ của ngân hàng vẫn còn nhiều thiếu sót, dẫn dến việc cán bộ ngân hàng móc nối cùng doanh nghiệp thực hiện các vụ lừa đảo, làm thất thoát tài sản. Như vậy, chính các ngân hàng cũng cần nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát đối với mỗi hồ sơ vay vốn ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khi giải ngân vốn.