Ngành Hải quan:

Nhiều chiến công trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

PV.

Bằng việc triển khai các giải pháp đấu tranh đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, năm 2017 toàn ngành Hải quan đã lập được nhiều chiến công, thành tích.

Năm 2017, toàn ngành Hải quan đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật hải quan
Năm 2017, toàn ngành Hải quan đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật hải quan

Trong năm qua, toàn ngành Hải quan đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trong đó có một số vụ việc trọng điểm liên quan đến bắt giữ hàng cấm lá Khat, ngà voi, các vụ buôn lậu thuốc lá ngoại quy mô lớn...

Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước trên 789 tỷ đồng, tăng 89,58% so với cùng kỳ năm 2016, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 334,8 tỷ đồng (tăng 95% so với cùng kỳ năm 2016). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ vi phạm và chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 68 vụ.

Ngoài ra, từ công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm tra sau thông quan, ngành Hải quan cũng phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ việc vi phạm, truy thu, nộp ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống buôn lậu, đồng thời đã tích cực tham mưu cho Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi cả nước ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả.

Qua đó, các đơn vị trong toàn Ngành đã đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh tập thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực, chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, tổ chức lực lượng ngăn chặn, triệt phá nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp, bóc gỡ thành công nhiều ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc được Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính cộng đồng ghi nhận.

 Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tham mưu xây dựng các chương trình, khung hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan với mục tiêu phục vụ hiệu quả cho công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại; tham gia tích cực, sâu rộng vào các hoạt động kiểm soát quốc tế trong lĩnh vực hải quan; thực hiện tốt vai trò đầu mối liên lạc trao đổi thông tin ở các các hoạt động hợp tác đa phương như hợp tác trong khuôn khổ của WCO, RILO AP, ASEAN cũng như hợp tác song phương với cơ quan Hải quan các nước. Điển hình như:

Phối hợp với các số tổ chức thực thi pháp luật quốc tế, văn phòng RILOAP để triển khai trên 10 các chiến dịch, dự án, các hoạt động kiểm soát chung trong khuôn khổ các chương trình do Tổ chức Hải quan thế giới RILO A/P - WCO điều phối như: Dự án cá sấu (chống buôn lậu thuốc lá do Văn phòng Tình báo Hải quan khu vực Châu Á Thái Bình Dương (RILO A/P triển khai); Hệ thống thông báo nhanh các vụ bắt giữ ma túy trên tuyến hàng không – DSINS; Chương trình toàn cầu về chống buôn bán bất hợp pháp thuốc lá xuyên biên giới của WCO – GRYPHON; Chiến dịch Thunderbird (Chiến dịch chống buôn bán bất hợp pháp các loài động thực vật hoang dã trên toàn cầu); Chiến dịch IRENE II về kiểm soát các loại vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ; tham gia Chiến dịch Leatherback (gian lận vi phạm xăng dầu).

Đồng thời, Tổng cục Hải quan luôn tăng cường việc mở rộng quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, chú trọng đến việc tạo cơ sở pháp lý thông qua việc mở rộng đàm phán, ký kết thoả thuận về hợp tác chống buôn lậu hoặc trao đổi thông tin; Xây dựng và triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác song phương với Hải quan các quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng từng bước xây dựng các cơ sở pháp lý trong việc cử cán bộ hải quan ra nước ngoài thu thập thông tin nghiệp vụ (triển khai Luật Hải quan 2014).

Năm 2017, việc hợp tác giữa Hải quan Việt Nam với các cơ quan Hải quan trong khu vực cũng như trên toàn cầu trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa đặc biệt là trong kiểm soát các mặt hàng cấm và tăng cường kiểm soát biên giới này đã ghi nhận những thay đổi đáng kể.

Điển hình là các hoạt động triển khai Dự án Savannah - là sáng kiến hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc về đấu tranh chống vận chuyển trái phép các loài hoang dã thuộc danh mục công ước CITES trong đó có ngà voi và sừng tê giác trên các tuyến vận chuyển và tập trung trọng điểm là tuyến hàng không.

Kết quả, với vai trò điều phối của Hải quan Việt Nam, Hải quan Hàn Quốc và Văn phòng tình báo khu vực, qua tổng kết trong khuôn khổ dự án, đã có 48 vụ việc bắt giữ được các nước thành viên tiến hành báo cáo trên hệ thống CENComm với khối lượng bắt giữ 23 tấn, 158 cá thể, 57 ngàn mét khối các loài động thực vật hoang dã.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng đã chủ động xây dựng và đề xuất với Hải quan Trung Quốc về Kế hoạch hành động đấu tranh phòng chống ma túy trên tuyến biên giới Việt Trung trong năm 2017, thúc đẩy triển khai Kế hoạch hành động chung trong đấu tranh phòng chống buôn lậu trên 02 cụm Hải quan giáp biên giới; Chủ động chia sẻ thông nghiệp vụ với Hải quan Campuchia bắt giữ 760 gram cocaine; tiếp nhận thông tin từ Hải quan Thái Lan bắt giữ 16 kg lá KHAT trên tuyến bưu điện có đường đi từ Nam Mỹ về Việt Nam…