Nhiều “chiêu” gian lận thuế VAT

Theo ktdt.vn

(Tài chính) Mua, bán hàng hóa nhưng không xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng (VAT) được xem là hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội, hành vi này vẫn đang diễn ra khá phổ biến.

Nhiều “chiêu” gian lận thuế VAT
Làm thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế Hai Bà Trưng. Nguồn: ktdt.vn
“Lách” VAT trong mua bán hàng 

Theo quy định, 1 mặt hàng có giá trị thanh toán trên 200.000 đồng, người bán phải có trách nhiệm xuất hóa đơn VAT cho khách hàng nếu không thực hiện coi như trốn thuế. Quy định là vậy, nhưng hiện nay rất nhiều khách hàng, cửa hàng hầu như không mảy may đến vấn đề này.
 
Siêu thị điện máy N.K, một trong những "đại gia" kinh doanh điện máy lớn nhất TP, bán hàng và giao chứng từ thanh toán cho khách hàng là "Phiếu nhận tạm ứng/xuất kho nội bộ", trong khi doanh số một ngày của siêu thị này lên đến tiền tỷ. Tương tự, tại nhiều doanh nghiệp (DN), siêu thị... việc bán hàng đều được thực hiện theo kiểu "tiền trao cháo múc" hoặc dùng "phiếu bán hàng - giao nhận" đóng dấu "đã thu tiền" giao cho khách.

Có ý kiến cho rằng, do rất ít khách hàng yêu cầu sử dụng hóa đơn VAT nên phần lớn bảng báo giá của các DN, siêu thị... thường không bao gồm thuế VAT. Do đó, người bán có thể hạn chế việc xuất hóa đơn, giảm giá bán cho khách hàng và tăng thêm lợi nhuận. Đây là cách thức mà rất nhiều DN đang áp dụng để "lách" thuế VAT.

“Rút” tiền Nhà nước từ các giao dịch khống
 
VAT là loại thuế gián thu, áp dụng với người mua hàng hóa, dịch vụ và họ không được hoàn lại VAT khi mua hàng, nhưng các DN lại được hoàn lại VAT đối với nguyên vật liệu và dịch vụ đầu vào mà họ mua để tạo ra sản phẩm bán cho người sử dụng cuối. 

Giám đốc một DN kinh doanh điện, tử điện, lạnh tại Hà Nội cho biết: Không phải khách hàng nào cũng cần viết hóa đơn VAT, vì vậy, DN có thể hạn chế xuất hóa đơn, tăng thêm lợi nhuận. Thậm chí, một số DN có lượng hóa đơn VAT không xuất cho khách hàng nhiều đến mức số tiền của hóa đơn VAT đầu vào lớn hơn đầu ra khiến Nhà nước còn nợ DN thuế VAT. Các DN kiểu này chủ yếu bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh... những mặt hàng đã bao gồm thuế VAT khi bán ra.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết, hiện chưa thống kê số tiền thuế VAT mà TP thật sự thu được mỗi ngày là bao nhiêu. Nhưng qua lượng giao dịch hàng hóa trên thị trường thì hàng năm, số tiền thuế VAT mà Nhà nước thất thu không nhỏ. Một hệ lụy xấu nữa là, việc kinh doanh không xuất hóa đơn đã "đẻ" ra những công ty chuyên "cung ứng" hóa đơn cho những DN hợp thức hóa số hàng bán ra nhưng không xuất hóa đơn, "giúp" các DN  trốn thuế. Những hóa đơn đó là thật song hàng hóa dịch vụ thể hiện trên hóa đơn lại không có thật để xin hoàn thuế VAT.
 
Hiện, nhiều siêu thị, nhà hàng, quán ăn... thường sử dụng hóa đơn trong máy tính tiền. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa có thói quen lấy hóa đơn và người bán cũng không bao giờ xuất hóa đơn nếu khách hàng không yêu cầu. Nên có thể nói, việc gian lận trốn thuế  chưa được quan tâm, xử lý tốt.
 
“Tổng cục Thuế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn về hoàn thuế để cơ quan thuế và người nộp thuế thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, chống gian lận thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
 
Khi dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện hoàn thuế được thông qua thì cơ quan thuế các cấp tăng cường rà soát các hồ sơ hoàn thuế để kịp thời loại trừ số thuế Giá trị gia tăng đầu vào không đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế do không thực hiện thanh toán qua ngân hàng khi quyết định hoàn thuế theo đúng quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng.”

 Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế  - Trần Văn Phu