Nhiều cơ sở sản xuất nước uống vi phạm an toàn thực phẩm

Theo chinhphu.vn

Trong số 60 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và 15 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền, đoàn kiểm tra của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Hà Nội đã xử phạt 21 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP).

TP. Hà Nội đã xử phạt 21 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
TP. Hà Nội đã xử phạt 21 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra 64 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai (4 cơ sở chưa hoạt động sản xuất) và 15 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền.

Qua kiểm tra, trong 60 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đoàn đã xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở với số tiền là 35 triệu đồng.

Cụ thể có 10 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn, 4 cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh, 3 cơ sở chưa xét nghiệm nguồn nước sử dụng cho sản xuất và 3 cơ sở vi phạm về giấy xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ và nhãn sản phẩm.

Với 15 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền, có 2 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 6 triệu đồng.

Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, cơ quan này sẽ tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở vi phạm nói trên và tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất một số cơ sở, lấy mẫu kiểm nghiệm tại cơ sở và mẫu lưu thông trên thị trường. Chi cục sẽ xử lý nghiêm cơ sở vi phạm và tái vi phạm các quy định về ATTP.

Danh sách cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm quy định về chất lượng ATTP

1. Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và thương mại Tiến Thành (số 32, ngõ 62, phố Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy).

2. Công ty cổ phần Ngoại thương Á Châu (số 15, ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm).

3. Công ty TNHH ATLATA Việt Nam (số 16, ngõ 376, phố Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên).

4. Công ty TNHH Trọng Thái (số 6, ngõ 318, phố Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên).

5. Công ty cổ phần Cơ điện và công nghệ HTC (thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai).

6. Công ty cổ phần Đá sạch Hà Nội (số nhà 29B, hẻm 32/15/21 An Dương, quận Tây Hồ).

7. Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Praha (số 10, ngõ 247B, phố Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên).

8. Công ty TNHH Sản xuất thương mại và công nghệ Thành Đạt (số 22, tổ 7, phường Giang Biên, quận Long Biên).

9. Công ty TNHH Sản xuất và thương mại 3HT Việt Nam (số 1/15/14, phố Thạch Cầu, quận Long Biên).

10. Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư thương mại Toàn Phát Hà Nội (số 7, phố Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm).

Danh sách cơ sở sản xuất nước đá dùng liền vi phạm quy định về chất lượng ATTP

1. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Trung Hiếu (số 14, phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm).

2. Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ thương mại Hoàng Gia Thái Anh (lô B8/D7, khu đô thị mới Cầu Giấy).

(Nguồn: Báo SK&ĐS)

Xử phạt 10 cơ sở hành nghề y tế, thực phẩm

Sở Y tế TPHCM vừa cho biết, từ ngày 4-6/5, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra các cơ sở hành nghề y, thực phẩm phát hiện hàng loạt sai phạm trong hoạt động kinh doanh khám chữa bệnh, dược phẩm và thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt 10 cơ sở vi phạm lên đến 440 triệu đồng.

Đoàn thanh tra đã kiểm tra 10 cơ sở hành nghề y, trong đó quyết định xử phạt hình chính 8 cơ sở.

Hai cơ sở phải chuyển qua UBND TPHCM do vượt quá quyền hạn xử lý vi phạm hành chính là Công ty TNHH đa khoa Phước Sơn (số 226 Võ Văn Ngân, phường Trường Thọ, Thủ Đức) cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, bị xử phạt 120 triệu đồng. Công ty cổ phần Đầu tư y tế MST (số 2 Lương Hữu Khánh, Quận 2) bị xử phạt 178 triệu đồng vì sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn cho phép.

Cũng trong đợt kiểm tra này, Thanh tra Sở Y tế phát hiện hàng loạt công ty sản xuất thực phẩm vi phạm như: Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Mai Hương, Công ty TNHH MTV sản xuất thực phẩm Hưng Phát, với các vi phạm sản xuất thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định.

Ngoài ra, một số cơ sở hành nghề y bị xử phạt với các lỗi như: Không có giấy phép hành nghề, kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì, quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng với quy định…

Hơn 120 trang trại chăn nuôi ở Quảng Nam chưa an toàn dịch bệnh

Tỉnh Quảng Nam hiện có 130 trang trại chăn nuôi với tổng số hơn nửa triệu con gia súc, gia cầm, chiếm trên 9,5% so với tổng đàn nuôi toàn tỉnh. Tuy nhiên, các trang trại này vẫn chưa chú trọng đến việc bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật.

VTV dẫn nguồn từ Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam cho biết, tính đến nay mới chỉ có khoảng 10 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật, còn lại hầu hết các trang trại chăn nuôi đều chưa chú trọng đến việc triển khai an toàn dịch bệnh. Vì vậy, Quảng Nam luôn là tâm điểm của các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại miền Trung.

Từ đầu năm đến nay đã có 9 xã của 6 huyện xảy ra bệnh lở mồm long móng với gần 120 con trâu, bò và heo mắc phải. Bệnh xảy ra chủ yếu ở gia súc chưa tiêm phòng, song đã được phát hiện sớm và khoanh vùng dập dịch nên không lây ra diện rộng.