Nhiều doanh nghiệp phải thi hành án...bỏ trốn

Theo phapluatvn.vn

Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đang thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị thi hành lớn. Tuy nhiên, quá trình xác minh cho thấy nhiều trường hợp người đại diện theo pháp luật của DN không còn ở tại Việt Nam, thậm chí có trường hợp toàn bộ DN bỏ trốn, không ai quản lý tài sản.

Tình trạng người đại diện theo pháp luật của DN bỏ trốn còn phát sinh nhiều hệ lụy. Nguồn: phapluatvn.vn
Tình trạng người đại diện theo pháp luật của DN bỏ trốn còn phát sinh nhiều hệ lụy. Nguồn: phapluatvn.vn

Chi phí lớn để chờ tin “chim trời, cá nước”

Đối với trường hợp này, qua xác minh thì đa phần là toàn bộ tài sản của DN đã thế chấp Ngân hàng, do đó khi phát hiện tình trạng DN bỏ trốn, Ngân hàng đã kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan Thi hành án để quản lý tài sản. Vấn đề đặt ra trước mắt là chi phí quản lý tài sản rất lớn, nếu như phía Ngân hàng không phối hợp, ứng trước để thanh toán trong khi chờ xử lý tài sản thì cơ quan thi hành án sẽ gặp khó khăn về khoản chi phí này.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cơ quan Thi hành án không thể thông báo cho người phải thi hành án là DN có người đại diện đã rời khỏi Việt Nam theo thủ tục thông thường được quy định tại Luật Thi hành án dân sự mà phải thực hiện thủ tục Ủy thác Tư pháp theo quy định của Luật Tương trợ Tư pháp.

Trong khi đó, quá trình thực hiện các thủ tục ủy thác mất rất nhiều thời gian, đôi khi có thể bị kéo dài vô thời hạn. Có những trường hợp ủy thác tư pháp kéo dài 02 năm nhưng vẫn chưa nhận được kết quả ủy thác Tư pháp, trong khi đó giá trị thi hành tương đối lớn ảnh hưởng đến kết quả thi hành án của đơn vị.  Điển hình như vụ Công ty TNHH Hankook Bed ủy thác từ tháng 6/2011; vụ Công ty TNHH Coint Vina ủy thác Tư pháp từ tháng 11/2011 giá trị thi hành là trên 48 tỷ đồng. Việc ủy thác Tư pháp mất nhiều thời gian chẳng những làm cho việc thi hành án kéo dài mà còn phát sinh khiếu nại của đương sự.  

Kiến nghị rút ngắn thời hạn uỷ thác tư pháp

Theo phản ánh của Cục Hải quan Bình Dương, tình trạng người đại diện theo pháp luật của DN bỏ trốn còn phát sinh nhiều hệ lụy liên quan như DN còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, lương công nhân, tiền thuế... Khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản thì số đông công nhân lao động đã kéo đến trụ sở của cơ quan Thi hành án để đề nghị xem xét giải quyết quyền lợi của họ... Vì vậy, cơ quan Thi hành án phải phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan như Liên đoàn Lao động, Sở LĐ-TB&XH, Tòa án... để hướng dẫn, giải quyết những trường hợp này theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương còn thụ lý thi hành các khoản hoàn trả cho cá nhân, tổ chức nước ngoài một khoản tiền tạm ứng án phí không lớn. Tuy nhiên, do địa chỉ của người được thi hành án ở nước ngoài nên cơ quan thi hành án chưa thể hoàn trả được số tiền nêu trên, trong khi việc ủy thác tư pháp lại tốn kém chi phí, thậm chí nhiều hơn số tiền hoàn trả gấp nhiều lần.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đang kiến nghị các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ các vụ việc thi hành án đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài, kịp thời ngăn chặn xuất cảnh đối với các trường hợp cần thiết. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc ủy thác tư pháp theo quy định, thường xuyên theo dõi, báo cáo về tiến độ Ủy thác tư pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ ủy thác tư pháp.

Đối với doanh nghiệp được thành lập theo Luật DN Việt Nam mà người đại diện theo pháp luật không có mặt tại Việt Nam thì thực hiện việc thông báo thi hành án theo địa chỉ của DN chứ không ủy thác tư pháp theo địa chỉ của người đại diện của DN ở nước ngoài.

Trường hợp vẫn tiếp tục thực hiện việc Ủy thác tư pháp thì kiến nghị quy định rõ thời hạn bao lâu kể từ ngày gửi hồ sơ ủy thác hợp lệ lần thứ nhất mà không nhận được kết quả thì tiếp tục ủy thác tư pháp lần hai và kiến nghị theo hướng rút ngắn thời hạn ủy thác tư pháp để việc thi hành án dân sự đối với cá nhân, tổ chức là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương khả thi hơn.