Những bản án “nhẹ nhàng cho xong”

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Việc thi hành án hầu như không có ý nghĩa khi bên có nghĩa vụ không có tài sản gì để bù đắp nghĩa vụ trả nợ .

VFC đang trong quá trình tái cơ cấu, nên không thể trả ngay khoản nợ 40,6 tỷ đồng cho GIC. Nguồn: internet
VFC đang trong quá trình tái cơ cấu, nên không thể trả ngay khoản nợ 40,6 tỷ đồng cho GIC. Nguồn: internet

Kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dù rất có thiện chí trả nợ cho đối tác. Trong khi đó, chính doanh nghiệp đang bị đòi nợ lại bị khách hàng nợ lại.

Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn là Công ty Bushvale Soymducts và bị đơn là Công ty TNHH Ngọc Sáng. Theo đó, vào khoảng giữa năm 2011, Công ty Bushvale Soymducts (Hoa Kỳ) và Công ty TNHH Ngọc Sáng ký kết 3 hợp đồng mua bán đậu nành hạt vàng. Các hợp đồng này là một phần trong các giao dịch mua bán đậu nành trị giá 150 tỷ đồng giữa hai bên.

Tại phiên sơ thẩm, nguyên đơn cho biết, sau khi ký kết hợp đồng, Công ty Bushvale Soymducts đã giao hàng đầy đủ và đúng hẹn, nhưng bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Sau đó, hai bên đã gặp nhau nhiều lần để thương thảo giải pháp. Tháng 12/2011, hai bên ký thỏa thuận ghi nhận nợ, trong đó bị đơn thừa nhận số tiền  chưa thanh toán là 1,63 triệu USD và cam kết trả trong 45 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận. Nhằm chia sẻ khó khăn với Công ty Ngọc Sáng, nguyên đơn đồng ý giảm số nợ còn 1,347 triệu USD. Nhưng Công ty Ngọc Sáng không có khả năng thanh toán.

Đến tháng 1/2012, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận thanh toán, chốt nợ còn 1,149 triệu USD, gia hạn thanh toán đến tháng 3/2012, nhưng bị đơn vẫn không thực hiện. Tháng 6/2012, hai bên ký thỏa thuận cuối cùng, giảm số nợ xuống còn 660.000 USD, thời hạn thanh toán trước ngày 9/8/2012. Từ đó đến nay, Ngọc Sáng mới chỉ thanh toán được 130.000 USD, Bushvale Soymduct đã khởi kiện yêu cầu Ngọc Sáng thanh toán tổng số nợ gốc và lãi là 530.000 USD, tương đương 11,7 tỷ đồng.

Đại diện Công ty Ngọc Sáng cho biết, thời gian đầu thực hiện hợp đồng, Công ty trả tiền đầy đủ, thậm chí còn ứng trước tiền cho bên bán, nhưng giai đoạn cuối còn tồn 3 hợp đồng chưa thể thanh toán. Nguyên nhân là do khó khăn kinh tế, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mặc dù có thiện chí trả nợ, nhưng khả năng tài chính không có. Hơn nữa, Công ty cũng đang bị chính các nhà sản xuất nợ chưa thanh toán. Do đó, tại phiên tòa, Ngọc Sáng chỉ đề nghị được giảm nợ và lãi, đồng thời xem xét lộ trình trả nợ.

Sau khi nghị án, HĐXX đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền là 11,7 tỷ đồng.

Vụ án đã khép lại sau một phiên tòa êm ả, không có tranh cãi, chỉ là khả năng thu hồi nợ của nguyên đơn là rất thấp, khi bị đơn đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán. Đây cũng không phải trường hợp hiếm hoi. Trước đó, CTCP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) đã khởi kiện để đòi Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy (VFC, thuộc Vinashin) số tiền 40,6 tỷ đồng cả gốc và lãi. GIC đã có 4 hợp đồng gửi tiền với VFC với số tiền gốc là 30 tỷ đồng. Ban đầu, việc gửi tiền suôn sẻ, VFC trả lãi đúng hạn, cho đến đầu năm 2011 thì lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Trong vụ việc này, VFC hoàn toàn thừa nhận nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và đề nghị nguyên đơn và Tòa án “xem xét”, vì VFC cũng như toàn bộ Tập đoàn Vinashin đang trong quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, nên không thể trả nợ ngay và đề ra lộ trình trả nợ trong vòng 12 tháng.

Tuy đạt được bản án như mong đợi, nhưng khi nào GIC mới có khả năng thu hồi khoản tiền gửi nói trên vẫn còn là ẩn số. Đại diện VFC chia sẻ, hiện tại, Công ty hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Khi huy động vốn từ các tổ chức khác (như GIC), VFC đã cho các công ty trong Vinashin vay lại, nhưng hiện nay, do các khách hàng của VFC khó khăn, không thể trả được nợ nên Công ty không có nguồn để thanh toán cho GIC.

Theo Luật sư Vũ Đình Vinh (Đoàn luật sư Hà Nội), với những trường hợp này, bên có quyền cần sớm tiến hành các thủ tục tố tụng như khởi kiện và đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhằm nâng cao khả năng thu hồi nợ. Tránh tình trạng kéo dài dẫn đến lúc bên có nghĩa vụ suy kiệt về tài chính và không còn khả năng thanh toán. Trên thực tế, những vụ tranh chấp tương tự, việc thi hành án hầu như không có ý nghĩa khi mà bên có nghĩa vụ không có tài sản gì để bù đắp nghĩa vụ trả nợ.