Những cạm bẫy pháp lý

Theo Đầu tư Chứng khoán

Trong khoảng 100 ngàn văn bản pháp luật lớn nhỏ, có không ít quy định, điều khoản trở thành “cạm bẫy” rình rập chủ doanh nghiệp và những người làm việc trong doanh nghiệp đó.

Những cạm bẫy pháp lý
Không phải là tổ chức tín dụng, nhưng nhiều hoạt động của CTCK mang bản chất cho vay
Nếu không thận trọng, trách nhiệm của cá nhân không chỉ nằm ở giới hạn dân sự mà có thể trượt sang hình sự.

Tréo ngoe…

Theo quy định tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN, nhiều đối tượng khách hàng bị áp giới hạn cho vay nhằm đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng. Những trường hợp không áp dụng giới hạn cho vay gồm cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân... Điều đáng nói là, trong Điều 10 của Thông tư 13 (quy định về các trường hợp không áp dụng giới hạn cho vay), khoản 1 có quy định một trong các đối tượng không phải áp dụng giới hạn là “khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác”. Nhưng ngay tại khoản 2 lại quy định một hoạt động không bị giới hạn khác là “cho vay, bảo lãnh có thời hạn dưới 1 năm đối với các tổ chức tín dụng khác hoạt động tại Việt Nam”.

Với quy định tréo ngoe trong cùng một điều như vậy, ngân hàng lựa chọn cách nào? Thực tế, những ngân hàng thận trọng lựa chọn cách thức cho ngân hàng bạn vay không giới hạn nhưng trong ngắn hạn (dưới 1 năm). Tuy nhiên, rõ ràng, quy định trên cũng cho phép ngân hàng cho vay không giới hạn theo khoản 1, bởi vậy, ngân hàng có thể áp dụng điều khoản này trong hoạt động. Những quy định kiểu này có thể là vô hại nếu hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ trong bối cảnh thị trường thịnh vượng. Nhưng khi rủi ro mất vốn xảy ra, không có gì đảm bảo rằng, cơ quan công tố và cơ quan xét xử sẽ chấp nhận khoản 1 thay vì khoản 2.

Tương tự, theo khoản 1, Điều 127, Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng (trong đó có các công ty tài chính) bị hạn chế cấp tín dụng cho những đối tượng như: tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại chính tổ chức tín dụng, thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập… Đối với các khách hàng này, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm, hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời hạn… và đặc biệt, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với tất cả các đối tượng này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, các công ty tài chính chủ yếu huy động và phục vụ cho vay các thành viên trong cùng tập đoàn. Nếu chỉ được cho vay không vượt quá 5% vốn tự có thì các công ty tài chính không thể tồn tại. Trước thách thức sống còn, nhiều công ty tài chính có thể làm ngơ quy định này. Vấn đề là những người hoạt động trong ngành này cần nhận thức rủi ro trách nhiệm đối với bản thân. Nếu việc “làm ngơ” này dẫn đến hậu quả là nợ không có khả năng thu hồi lớn và bị suy xét, thì trách nhiệm của các cán bộ có liên quan của công ty tài chính nhẹ là hành chính, nặng là hình sự. Cần lưu ý, cho vay quá giới hạn là một trong các sai phạm được nêu rõ trong Điều 179 của Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

… và nguy hiểm

Một vụ án điển hình xảy ra cách đây hơn 10 năm về trước, trong đó, chủ doanh nghiệp đã bị kết tội tử hình vì tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Theo quy định của ngành ngân hàng vào thời điểm đó, một doanh nghiệp chỉ được vay không quá 10% vốn tự có, vì vậy, để được vay vốn, chủ doanh nghiệp này đã thành lập hàng chục pháp nhân để vay vốn với dư nợ gần 6.000 tỷ đồng và hơn 32 triệu USD. Tuy nhiên, khi thị trường đảo chiều, doanh nghiệp này không trả được nợ và chủ doanh nghiệp bị truy tố và bị kết án tử hình.

Trở lại với bối cảnh hiện nay, việc “lách luật” hoặc đi trước so với khung pháp lý khi cung cấp các sản phẩm chưa được pháp luật quy định có thể dẫn tới những trách nhiệm dân sự và hình sự. Đơn cử như việc các công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp các sản phẩm có tính chất tín dụng cho khách hàng như các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng repo… Theo quy định, các CTCK không được hoạt động tín dụng song các loại hợp đồng nói trên đều có tính chất tín dụng. Do đó, khi hoạt động này dẫn đến những thiệt hại kinh tế, các nhân sự liên quan của CTCK có nguy cơ bị ràng buộc vào các trách nhiệm hình sự.

Ở phía ngân hàng, thường xuyên có tình trạng cho vay dưới hình thức ủy thác vốn. Nếu như cho vay phải trải qua quy trình thẩm định xét duyệt nghiêm ngặt thì hình thức ủy thác vốn chỉ là việc ngân hàng ủy thác cho bên thứ ba có thể là mua trái phiếu trong thời hạn nào đó. Nếu không mua được sau một thời gian sẽ phải trả lại số tiền gốc cùng với khoản tiền lãi. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, ngân hàng thu hồi vốn và lãi, nhưng nếu không thể thu hồi, cán bộ ngân hàng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm vì vi phạm quy định cho vay.