Nợ bảo hiểm: Khó khởi kiện và không dễ đòi

Theo daibieunhandan.vn

Tính đến thời điểm này, số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên cả nước đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, gồm cả nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ trốn.

 Ngành BHXH đẩy mạnh tuyên truyền BHXH, BHYT cho người lao động khu công nghiệp. Nguồn: daibieunhandan.vn
Ngành BHXH đẩy mạnh tuyên truyền BHXH, BHYT cho người lao động khu công nghiệp. Nguồn: daibieunhandan.vn

BHXH Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt thu hồi nợ, trong đó có việc khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm của người lao động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế hầu hết các doanh nghiệp nợ bảo hiểm đều đang gặp khó khăn, vậy nên nếu khởi kiện cũng rất khó đòi được nợ.

Chậm tiến độ khởi kiện

Theo BHXH Việt Nam, số tiền nợ thực tế còn cao hơn so với con số các tỉnh, thành phố báo cáo. Cụ thể, tại thời điểm này, báo cáo chưa đầy đủ của BHXH các tỉnh, thành phố, tổng số tiền nợ là 17.565 tỷ đồng.

Nguyên nhân là ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động, còn cố tình trốn tránh, chây ỳ, cơ quan BHXH các cấp chưa quyết liệt đôn đốc thu, thu hồi nợ và đề xuất UBND các cấp chỉ đạo, xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Vừa qua, BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng triển khai, việc khởi kiện chưa có tiến triển tích cực. Hầu hết các tỉnh, thành phố mới chỉ dừng lại ở việc ký Quy chế phối hợp giữa BHXH và Liên đoàn Lao động.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam Lương Anh Tuấn, một số đơn vị công đoàn cùng cấp chưa nhận hồ sơ đơn vị sử dụng lao động nợ mà cơ quan BHXH cung cấp.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về việc khởi kiện các đơn vị ra tòa về hành vi chậm đóng tiền BHXH; hay yêu cầu hồ sơ khởi kiện phải có đơn của người lao động được ủy quyền đề nghị kiện thì mới tiếp nhận hồ sơ khởi kiện.

Các tổ chức công đoàn thiếu tự tin, mạnh dạn khởi kiện vì những vướng mắc trong quy định pháp luật cũng như thực tiễn công tác. Liên đoàn Lao động tỉnh đâu đó còn ngại trách nhiệm, sợ rằng kiện như vậy có đúng hay không - ông Tuấn nói.

Không dễ đòi nợ

Trên thực tế, theo các chuyên gia, việc triển khai khởi kiện không dễ bởi liên quan đến rất nhiều quy định pháp lý. Trong khi đó, trình độ cán bộ cơ sở chưa đủ năng lực.

Tuy nhiên, nếu khởi kiện cũng rất khó đòi được nợ vì nhiều doanh nghiệp nợ BHXH đều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, thua lỗ, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất Liên đoàn Lao động Đà Nẵng tiến hành thủ tục khởi kiện một doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Hầu hết trong quá trình khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự, công đoàn các cấp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu Liên đoàn Lao động 15 tỉnh được chọn làm thí điểm phải tích cực cùng cơ quan BHXH khẩn trương tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp nợ.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một vụ kiện thu nợ bảo hiểm nào được tiến hành. Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hạ quyết tâm, ít nhất từ nay đến hết năm 2016, mỗi địa phương phải khởi kiện được một số vụ.

Nếu cần thiết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với thanh tra lao động của Sở LĐ, TB - XH, thậm chí cả thanh tra nhà nước; chúng ta không thể đứng ngoài cuộc trước tình trạng nợ BHXH như hiện nay - ông Mai Đức Chính khẳng định.

Hiện BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức kiểm tra để tháo gỡ những khó khăn của địa phương khi khởi kiện các doanh nghiệp nợ đóng, vi phạm theo quy định pháp luật của BHXH.