“Nóng” mặt hàng rượu ngoại, thuốc lá và pháo dịp cận Tết

Theo Công an Nhân dân

Ngoài quặng, xăng dầu được buôn lậu với số lượng lớn và có mầm mống của việc có tổ chức, nhiều mặt hàng tiêu dùng, thường là hàng cấm và có lợi nhuận cao cũng được các đối tượng buôn lậu lựa chọn đường biển... Vào thời điểm này, nóng nhất có thể kể đến pháo, rượu và thuốc lá ngoại, mỹ phẩm... thậm chí cả gà lậu bị “tấn công” dồn dập trên bờ cũng chuyển xuống tuyến biển để thẩm lậu vào nội địa.

“Nóng” mặt hàng rượu ngoại, thuốc lá và pháo dịp cận Tết
Lực lượng Hải quan kiểm tra giấy tờ và hàng hóa của một chủ tàu
Nhiều thủ đoạn xé lẻ, ngụy trang hàng hóa

Tuyến biển qua Quảng Ninh vốn là tuyến phức tạp nhất về buôn lậu, vừa do toàn bộ khu vực Đông Bắc đều giáp ranh với Trung Quốc, đường đi rất gần, lại vừa do hàng hóa xuất nhập khẩu cũng đi - đến ở khu vực cảng Quảng Ninh và Hải Phòng. Trong điều kiện buôn bán khá tấp nập, nhiều tàu chở hàng lậu đã lợi dụng trá hình, trà trộn.

Theo nhận định của Hải đội 1, qua tuần tra, giám sát khu vực biển từ Móng Cái đến Quảng Bình cho thấy tình hình buôn lậu trên biển năm 2012 diễn biến phức tạp, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, điện thoại di động, máy ảnh, rượu ngoại, thuốc lá... Ngoài buôn lậu từ Trung Quốc vào, lực lượng chức năng nhận định đây còn là tuyến hàng hóa tạm nhập tái xuất như rượu, thuốc lá, hàng điện lạnh, mỹ phẩm... cũng tuồn vào nước ta. Đặc biệt vào thời điểm này, buôn lậu pháo nổ diễn biến phức tạp.

Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Mới đây đã phối hợp với Phòng Trinh sát Cục C68 - Bộ Công an đấu tranh chuyên án buôn bán, vận chuyển pháo, bắt 2 đối tượng, thu giữ 73,5kg pháo do Trung Quốc sản xuất. Không chỉ thế, trong năm lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cũng đã bắt giữ 7 vụ (7 đối tượng) có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 0,824 gam heroin; 2 vụ (2 đối tượng) kinh doanh than trái phép, hàng hóa thu giữ 1,575 nghìn tấn than cám, trị giá hàng hóa 1,34 tỷ đồng. Hải đội 1 cũng đã phối hợp với Hải quan Hải Phòng, Quản lý thị trường kiểm tra và bắt giữ 1 container quần áo bò.

“Mặc dù nhận định tình  hình trọng điểm hàng Tết sẽ là pháo, rượu, thuốc lá lậu, nhưng phương thức thủ đoạn của các đối tượng liên tục thay đổi, rất khó khăn trong phát hiện. Một mặt, họ lợi dụng các tàu du lịch ngủ vịnh, đi về trong đêm, đưa lên mỗi tàu một vài thùng. Mặt khác họ chia hàng ra các tàu cá, thuyền câu. Vấn đề là phải làm sao phát hiện được những tàu vi phạm trong hàng trăm tàu thuyền đang hoạt động. Mặt khác nếu khám xét tàu cũng chỉ có thể phát hiện những vi phạm lẻ tẻ, trong khi đó thủ tục khám tàu du lịch trong đêm rất phức tạp, trên tàu lại có khách du lịch nước ngoài” - ông Ngô Thanh Tuấn, Hải đội phó Hải đội 1 cho biết.

Không chỉ đối với các mặt hàng đắt tiền, hiện buôn lậu thực phẩm, gà lông cũng bắt đầu chuyển xuống tuyến biển, sau khi trên bộ các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt. Mới đây nhất, lực lượng Cảnh sát biển đã bắt giữ 1 tàu cá chở 1,5 tấn chim bồ câu tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Số chim này được mang về từ bên kia biên giới. Theo lực lượng Cảnh sát biển nhận định, buôn lậu gia súc, gia cầm bằng đường biển đang có xu hướng gia tăng.

Vẫn khó cả về lực lượng và phương tiện

Theo công tác nắm địa bàn, nhận định tình hình, lực lượng chức năng cho biết, hiện phía Nghệ An thường xuyên có tình trạng đưa pháo nổ về bằng đường biển rồi đưa về phía Lào bán. Lượng pháo này thường được đưa về bằng tàu đánh cá, mỗi tàu mang 1 vài tạ, để trong bao tải, khi bị phát hiện sẽ lập tức vứt xuống biển. Cẩn thận hơn, các tàu này về sẽ không cập bến để đẩy hàng đi ngay mà trà trộn vào tàu đánh cá của dân, nằm trên biển cả tuần, cả tháng mới về. “Chúng tôi có cơ sở báo là tàu A, tàu B về rồi, nhưng đợi cả tháng vẫn chưa thấy đâu”.

Đối với các tàu lớn, các đối tượng buôn lậu thường giấu hàng vào những khoang ở sát mũi tàu, khoang máy, hoặc các vách ngăn, các kho tự chế rất khó phát hiện. Khi bị phát hiện, họ thường chối quanh, không nhận là chủ hàng hoặc chia nhỏ hàng hóa trên đầu người để giảm nhẹ hình phạt. “Hiện các đối tượng buôn lậu nắm rất rõ chính sách của Nhà nước. Họ biết đến mức nào thì chỉ bị phạt hành chính nên đều có tính toán rất kỹ”.

Không chỉ thế, các tàu buôn lậu  ngày càng được trang bị hiện đại. Như chuyên án thuốc lá lậu mà lực lượng Hải quan bắt năm 2011, các đối tượng dùng xuồng cao tốc 8 máy, nổ máy sẵn sàng, khi có động là lập tức nổ máy đi luôn, tàu của lực lượng chức năng không thể đuổi kịp.

Với chuyên án đó, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, Hải đội 1 đã bắt 201 thùng thuốc lá các loại. Nhiều trường hợp, các đối tượng buôn lậu sẵn sàng đâm chìm tàu hàng để xóa dấu vết hoặc thậm chí cướp hàng, vì sau khi bắt được tàu, phải lai dắt trên biển khá lâu mới đưa được về bến. Thậm chí, đã từng xảy ra trường hợp ở Nghệ An, các đối tượng buôn lậu đột nhập lên tàu Hải quan, cướp súng, bắt cóc luôn cán bộ và đẩy xuống biển. Rất may khu vực đó gần bờ nên cán bộ này đã bơi vào bờ an toàn. Điều này cho thấy tính chất manh động của các đối tượng buôn lậu.

“Mỗi chuyên án, lực lượng chức năng phải mất vài tháng để nắm tình hình, cài cắm cơ sở, theo dõi... Phải biết luồng lạch tàu buôn lậu đi, chắc chắn đánh là thắng, nếu không tàu mình ra biển không biết bao nhiêu dầu cho lại. Trong khi đó biển cả mênh mông, sóng gió, có những lúc cách nhau vài chục mét mà không nhìn thấy gì vì sương mù, nên các đối tượng rất dễ lợi dụng. Đường biển lại không như đường bộ để có các chốt chặn, gác. Không chỉ thế phương tiện của chúng ta cũng quá cũ, bé, đúng theo đăng kiểm mới chịu được sóng cấp 4, cấp 5; trong khi tàu buôn lậu chịu được sóng cấp 7, cấp 8. Chống buôn lậu trên biển là cuộc chiến rất cam go và nan giải. Tuy nhiên anh em vẫn dặn nhau cố gắng hết sức. Hiện chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đấu tranh với việc buôn lậu các mặt hàng trọng điểm Tết, đặc biệt là pháo, rượu và thuốc lá” - ông Ngô Thanh Tuấn cho biết.