Ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp: “Nút thắt” từ luật

Mai Thanh

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí với sự gia tăng các chất thải rắn nguy hại tại các khu công nghiệp (KCN) đang là một báo động lớn, tuy nhiên, việc giảm thiểu ô nhiễm đối với những khu vực này lại đang vướng mắc bởi một số quy định của pháp luật.

Ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp: “Nút thắt” từ luật - Ảnh 1
Pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về phương pháp xác định cũng như khoảng cách an toàn về môi trường từ các KCN tới khu dân cư. Nguồn: Internet

Theo thanh tra của Bộ TN-MT, trong tổng số 429 cơ sở, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố được thanh tra năm 2012 thì có đến 157 cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường với số tiền đề nghị xử phạt lên tới 32,7 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia, thực trạng này là hệ quả của chính sách pháp luật còn mơ hồ, thiếu thực tiễn, chồng chéo và thiếu sự thống nhất, không chỉ khiến DN gặp khó khăn mà các cơ quan quản lý cũng rất lúng túng khi thực thi nhiệm vụ.

Đơn cử, nếu như Nghị định số 21/2008/NĐ-CP xác định Ban quản lý các KCN được phép thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong KCN theo ủy quyền của cơ quan có thẩm quyền thì Nghị định số 29/2011/NĐ-CP về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường lại bỏ sót trách nhiệm của Ban quản lý KCN. Trong khi đó, đây là đối tượng được xem như người “gác cửa” nhằm ngăn chặn các ngành, nghề ô nhiễm đầu tư vào KCN.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường, Bộ TN- MT Lê Kế Sơn chia sẻ, nhằm tăng hiệu quả giám sát, quản lý về môi trường, pháp luật quy định các cơ quan cùng tham gia quản lý, giám sát về vấn đề môi trường KCN, bao gồm cả Tổng cục Môi trường, Sở TN- MT, UBND cấp huyện, Ban quản lý KCN, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cấp bộ và tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý giữa các cơ quan chuyên môn tại nhiều nơi còn nhiều chồng chéo. Vì vậy, mới có tình trạng có những DN tại các KCN trong một tháng phải “tiếp” đến chục đoàn kiểm tra, giám sát...

Ngoài ra, cho tới nay, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về phương pháp xác định cũng như khoảng cách an toàn về môi trường từ các KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất trong ngành, nghề tới khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên áp dụng đối với KCN, mà vấn đề này chỉ mới quy định đối với cơ sở sản xuất, cất giữ một số loại hóa chất nguy hiểm theo quy định tại Điều 22 Luật Hóa chất và Điều 13, 14, 15 Nghị định 108/2008/NĐ-CP.

Việc xác định KCN như thế nào là KCN “có nguy cơ gây tác hại đối với môi trường” cũng vẫn chưa có quy định cụ thể.