"Ông trùm" bán hàng lừa đảo qua Facebook sa lưới

Theo doisongphapluat.com

(Tài chính) Trong vòng 2 năm, Phong chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của 159 nạn nhân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước thông qua chiêu thức bán hàng qua facebook.

Qua facebook, Phong đã lừa 159 nạn nhân, chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng. Nguồn: doisongphapluat.com
Qua facebook, Phong đã lừa 159 nạn nhân, chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng. Nguồn: doisongphapluat.com
Thông qua trang mạng xã hội Facebook, Bùi Thanh Phong sử dụng nick ảo đăng tin chào bán các loại điện thoại iPhone 4s, iPhone 5; máy tính bảng iPad 3; máy tính MacBook Pro... Khi có người đặt hàng, Phong yêu cầu chuyển khoản 20-30% tiền vào ATM, sau đó Phong sẽ giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, khi khách thanh toán tiền, Phong không giao hàng mà còn chặn các liên lạc của khách hàng. Với chiêu lừa trên, trong vòng 2 năm, Phong chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của 159 nạn nhân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Từ kẻ thất nghiệp thành "ông trùm" hàng điện tử xách tay... "xịn"

Theo thông tin điều tra từ cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) công an TP. Cần Thơ, là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, sống lang thang nay đây, mai đó nên Bùi Thanh Phong (sinh năm 1981, ngụ phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) có cuộc sống khá vất vả, phải chạy ăn từng bữa. Trái ngược lại với cuộc sống vật vờ, nhờ tiếp xúc với internet từ sớm nên Phong khá rành rẽ về thế giới mạng. Nhiều lần chơi game trên mạng, Phong biến đến Facebook.

Một cán bộ cơ quan CSĐT cho biết, trong cơn túng quẫn vì không có tiền bạc trang trải cuộc sống, Phong nảy ra ý định lừa đảo. Theo đó, thông qua mạng xã hội Facebook, Phong lấy nickname Kenny Zeng cho đăng tin rao bán các loại điện thoại iPhone 4s, iPhone 5; máy tính bảng iPad 3; máy tính MacBook Pro... với giá từ 4,5-33 triệu đồng.

Để quảng cáo cho các tin rao trên Facebook, Phong sẽ quảng bá mình là một "ông trùm" buôn bán hàng điện tử xách tay "xịn" từ nước ngoài về Việt Nam. Các hàng điện tử do Phong rao bán đều là hàng chính hãng, mới 100%, tất cả đều là hàng xách tay.

Khi có khách hàng add nick Kenny Zeng để thực hiện giao dịch bằng tin nhắn qua Facebok, nick Kenny Zeng sẽ hướng dẫn giao dịch, thỏa thuận giá cả, số lượng... Thấy khách hàng muốn mua sản phẩm, nick Kenny Zeng liền yêu cầu khách phải đặt cọc trước từ 20 - 30% giá trị hàng đặt mua bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng  mở tại Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Đồng Nai do nick Kenny Zeng cung cấp.

Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản, nick Kenny Zeng sẽ nhắn cho khách hàng là mình sẽ giao hàng tận nơi, theo địa chỉ của khách hàng cung cấp trong vòng 5 - 7 ngày.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, khách đã thanh toán, Phong sẽ tắt nick Kenny Zeng, khóa chặn các liên hệ của khách hàng với nick Kenny Zeng trên Facebook. Nghĩ đến đây, Phong cho rằng chiêu lừa đảo của mình sẽ thành công và sẽ khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Sau nhiều ngày hoàn thiện ý tưởng lừa đảo của mình, Phong liền tiến hành thực hiện ngay. Giống như ý tưởng trên, Phong lên Google tìm kiếm các hình ảnh về các loại điện thoại Iphone 4s, iPhone 5; máy tính bảng iPad 3; máy tính MacBook Pro... Sau đó, Phong dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh, ghi giá tiền mới thấp hơn giá thị trường từ 25-40%.

Sau khi ưng ý với hình ảnh vừa chỉnh sửa, Phong đăng nhập vào Facebook với nick Kenny Zeng. Trên tường của mình, Phong cho đăng tải các mẫu tin rao bán trên, kèm hình ảnh và ngồi chờ. Cứ thế, Phong ngồi trên mạng 24h/24, khi có khách hàng add nick Kenny Zeng để nói chuyện thì Phong thực hiện thủ đoạn lừa đảo như trên.

Nếu khách hàng nào không chịu hình thức giao dịch trên thì Phong liền xóa nick, dừng cuộc trò chuyện trên Facebook. Đối với khách hàng nào đồng ý với hình thức giao dịch trên, Phong sẽ tìm mọi cách để thực hiện cho bằng được chiêu lừa của mình.

Chiếm đoạt 400 triệu của 159 nạn nhân trong vòng 2 năm

Một cán bộ cơ quan CSĐT cho biết, với chiêu lừa tinh vi trên, trong năm 2012, Phong lừa đảo hàng chục nạn nhân, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng một cách đơn giản. Từ một đối tượng không có thu thập, Phong bỗng dưng trở nên giàu có, dùng đồ đắt tiền, thường xuyên lui tới những khu vực ăn chơi dành cho người có tiền. Trong thời gian này, cơ quan CSĐT nhận được đơn trình báo của một số nạn nhân tố cáo có một đối tượng sử dụng nick Kenny Zeng thực hiện bán hàng lừa đảo qua mạng.

Tiếp nhận tin báo, cơ quan CSĐT xác định đối tượng là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Để tiến hành xác minh thông tin về đối tượng, cơ quan CSĐT liền cho trinh sát hình sự đóng giả là các khách hàng add nick Kenny Zeng để đặt hàng điện tử. Giống như cách các nạn nhân sập bẫy lừa, các trinh sát hình sự cố gắng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng để từ đó lần ra tung tích của y. Sau vài lần đặt hàng, các trinh sát hình sự hiểu rõ chiêu lừa của đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng núp bóng đằng sau nick Kenny Zeng là một kẻ ranh ma... Khi nghe các trinh sát muốn gặp mặt trực tiếp để giao dịch, đối tượng này từ chối xuất hiện.

Bằng hàng loạt nghiệp vụ điều tra, cơ quan CSĐT lần theo từng manh mối của đối tượng lưu lại trên mạng để truy tìm. Sau thời gian dài theo dõi, cơ quan CSĐT thu thập được nhiều bằng chứng khẳng định đối tượng nick Kenny Zeng chính là Phong.

Tiến hành theo dõi sát đối tượng, vào khoảng 18h10 ngày 21/10, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trận tự kinh tế và chức vụ cơ quan CSĐT thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối tượng Bùi Thanh Phong về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số để thực hiện hành bi chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân. Ngay sau đó, đối tượng Phong được đưa về trụ sở cơ quan CSĐT để tiến hành lấy lời khai để phục vụ công tác điều tra.

Tại cơ quan CSĐT, trước những chứng cứ của cơ quan CSĐT, đối tượng Phong đã cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Phong khai nhận, thời gian qua, y sử dụng nick Kenny Zeng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân tại TP. Cần Thơ. Số tiền chiếm đoạt được Phong tiêu dùng cá nhân phung phí.

Trong các vụ lừa đảo trên, y thực hiện chiêu lừa một mình, không có đồng phạm. Cơ quan CSĐT cho rằng, đối tượng khai nhận chưa đúng với bản chất của hành vi lừa đảo tinh vi trên nên tiếp tục đấu tranh.

Biết không thể quanh co chối tội, Phong thú thật từ tháng 7/2011 đến tháng 9/2013, Phong đã sử dụng công nghệ công để chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của 159 người chủ yếu ở TP. Cần Thơ. Bên cạnh đó, các nạn nhân của y còn có ở các tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang, Bình Thuận...

Bài học cảnh giác với nhiều người dân

Ngày 24/10, trao đổi với phóng viên, đại diện cơ quan CSĐT công an TP. Cần Thơ cho biết: "Cơ quan CSĐT vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng Bùi Thanh Phong để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số để thực hiện hành bi chiếm đoạt tài sản. Qua vụ việc này, cơ quan CSĐT đánh giá thủ đoạn lừa đảo của đối tượng là vô cùng tinh vi. Vì quá ham vào các loại hàng điện tử giá rẻ mà đối tượng rao bán ảo nên nhiều người đã trở thành nạn nhân. Vụ việc này là bài học cảnh giác của nhiều người dân khi thực hiện các giao dịch mua bán qua mạng internet, đặc biệt là mạng xã hội".