Phân biệt sáp nhập và mua lại

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Thuật ngữ quốc tế M&A dùng để chỉ hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp. Hai hoạt động này có nhiều nghiệp vụ giống nhau, tuy nhiên giữa chúng vẫn có những điểm khác biệt nhất định.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong phạm vi bài viết này, PLF chỉ đề cập đến hoạt động M&A dưới sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam một cách khái quát mà không đi sâu vào phân tích các khía cạnh khác như cơ cấu tài chính, công cụ tiến hành, giá trị thương mại…

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, M&A được xem là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp dưới góc độ của Luật Doanh nghiệp là hành vi tập trung kinh tế dưới góc độ của Luật Cạnh tranh và là một hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành và nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực này, hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp có một số điểm khác biệt sau:

Thứ nhất, về hình thức thực hiện: Đối với sáp nhập, toàn bộ tài sản của doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ được chuyển cho doanh nghiệp nhận sáp nhập. Mặt khác, trong hoạt động mua lại, không nhất thiết toàn bộ mà đôi khi chỉ là một bộ phận tài sản của doanh nghiệp bị mua lại phải gộp chung với tài sản của doanh nghiệp mua lại. Điều này phụ thuộc vào quy mô của thương vụ mua lại.

Thứ hai, về bản chất của giao dịch: Sáp nhập có thể hiểu theo cách đơn giản là việc hai hay nhiều doanh nghiệp (thường có cùng quy mô, tính chất) hợp tác, đồng thuận liên kết trở thành một doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích chung lớn nhất có thể cho các bên liên quan. Một vụ sáp nhập mang tính chất công bằng như vậy còn được gọi là sáp nhập cân bằng.

Tuy nhiên trên thực tế, đa số các thương vụ thường rất khó đạt được sự đồng thuận từ các bên tham gia. Bên nhận sáp nhập thường sẽ dùng nhiều cách để “thâu tóm” một hoặc các bên “yếu thế” hơn. Một khi tính “hữu hảo” không tồn tại, tức đối tượng bị mua lại không muốn, thậm chí phải thực hiện các kỹ thuật tài chính để chống lại việc bị sáp nhập, thì hoạt động này hoàn toàn mang hình ảnh của một thương vụ mua lại.

Một thương vụ sáp nhập hay mua bán phụ thuộc vào thiện chí, tầm nhìn và cách đánh giá của nhà lãnh đạo, chủ sở hữu  công ty. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bên bị mua lại và bên mua lại sẽ đàm phán, thỏa thuận với nhau để truyền tải thông tin ra bên ngoài rằng “hoạt động này là sáp nhập ngang bằng và được diễn ra một cách thân thiện giữa hai hoặc nhiều bên”, mặc dù về bản chất đây là họat động mua bán.

Thứ ba, về hệ quả pháp lý: Đối với giao dịch sáp nhập, sau khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ hoàn toàn chấm dứt tồn tại; trong khi doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như chịu trách nhiệm về những khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị sáp nhập. Trong khi đó, đối với giao dịch mua lại thì sau khi hợp đồng có hiệu lực, doanh nghiệp bị mua lại sẽ chấm dứt hoạt động một phần đối với phần bị mua lại; doanh nghiệp mua lại sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về những khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của phần doanh nghiệp bị mua lại.

Như vậy, tùy thuộc vào hình thức thực hiện, bản chất giao dịch, hệ quả pháp lý, và một số yếu tố khác mà mỗi thương vụ M&A sẽ được xác định là hoạt động sáp nhập hay mua bán. Từ đó cũng thể hiện rõ sự khác biệt của hai hoạt động tưởng chừng như rất giống nhau này.