Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

PGS., TS. Nguyễn Linh Khiếu - Tạp chí Cộng sản

(Taichinh) - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiện vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Báo chí với chức năng, nhiệm vụ của mình có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh này. Thời gian qua, mặc dù báo chí đã chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng nhìn chung, hiệu quả chưa cao.

Báo chí là một kênh quan trọng với tính chất đặc thù của mình đưa đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng vào cuộc sống. Nguồn: internet
Báo chí là một kênh quan trọng với tính chất đặc thù của mình đưa đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng vào cuộc sống. Nguồn: internet

Một số thành công trong phát huy vai trò của báo chí đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Báo chí đã chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết về phòng, chống tham nhũng, cũng như ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Báo chí có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là kịp thời tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Sự chuyển tải kịp thời, chính xác, đầy đủ và toàn diện của báo chí đến xã hội những nội dung quan trọng cũng như các hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, thông tư, văn bản luật… về phòng, chống tham nhũng trong đời sống xã hội thời gian qua là một thành công của báo chí.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua luôn thu hút sự quan tâm, day dứt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân… báo chí đã kịp thời đưa tin, truyền đạt ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo các cấp trực tiếp góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Những quan điểm, đường lối, chủ trưởng, chính sách, chỉ thị, nghị quyết cũng như các ý kiến chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo các cấp chính là cơ sở lý luận, thực tiễn, là quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị, là sự chỉ dẫn, cổ vũ, động viên kịp thời cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hết sức gay go và phức tạp hiện nay.

Qua công tác này, điều quan trọng là báo chí là một kênh quan trọng với tính chất đặc thù của mình đưa đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng vào cuộc sống.

Đưa tin kịp thời, cập nhật, chính xác và tương đối đầy đủ các thông tin về hiện tượng tham nhũng, vụ án tham nhũng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân

Là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, báo chí Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Với sự nhạy bén và năng động của mình, báo chí đã có thành công nhất định trong thông tin kịp thời, cập nhật các hiện tượng tham nhũng, các vụ án tham nhũng đang bị các cơ quan chức năng xử lý. Chính sự thông tin ngay từ đầu một hiện tượng, một vụ án tham nhũng nào đó vừa bị phát hiện đến đông đảo các tầng lớp nhân dân; một mặt, đã tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, triệt để với các đối tượng tham nhũng; mặt khác, chính dư luận xã hội cũng tạo nên áp lực đối với các đối tượng tham nhũng cũng như với chính các cơ quan chức năng xử lý tham nhũng.

Thông tin kịp thời khi hiện tượng tham nhũng vừa bị phát hiện, thông tin cập nhật bám sát toàn bộ quá trình điều tra, xét hỏi, xử lý các vụ án tham nhũng đến đông đảo quần chúng nhân dân, thực tế, báo chí đã góp phần tích cực không nhỏ vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Đây có thể khẳng định là một thành công đáng ghi nhận của báo chí nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Báo chí được Đảng và Nhà nước tin cậy, trở thành người đồng hành của các cơ quan chức năng và của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, báo chí đã chủ động, tích cực cùng với các cơ quan chức năng đi tiên phong trong cuộc chiến này. Một mặt, báo chí đã góp phần cung cấp thông tin một cách tương đối đầy đủ, chính xác, toàn diện đến các cấp lãnh đạo, đến mọi tầng lớp nhân dân; mặt khác, báo chí góp phần tạo áp lực dư luận xã hội mạnh mẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng; đồng thời uy hiếp, ngăn chặn các âm mưu chạy tội, “chạy án” tham nhũng.

Chính vì vậy, báo chí ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy. Nhờ đó, vai trò của báo chí được nâng cao, vị thế của báo chí trong đời sống xã hội đã thay đổi, từ đó, báo chí ngày càng trưởng thành, tự tin, tích cực chủ động, dấn thân hơn cùng toàn Đảng, toàn dân tham gia cuộc chiến chống tham nhũng gay go và quyết liệt.

Báo chí ngày càng nhận thức đầy đủ hơn vị trí, vai trò của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; trên cơ sở đó, báo chỉ chủ động, tích cực tham gia phát hiện, điều tra tham nhũng, kịp thời đưa thông tin dư luận của Nhân dân về tham nhũng; đồng thời, nêu ý kiến đề xuất, góp ý, hiến kế đối với cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Nét mới của báo chí nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua là từ sự nhận thức đầy đủ sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân vào báo trí, trao quyền cho báo chí; đồng thời, nhận thức đúng vị trí và vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, báo chí nước ta với kỹ năng, nghiệp vụ và kỹ thuật của mình đã chủ động, tích cực tham gia điều tra, phát hiện tham nhũng; kịp thời đưa thông tin do nhân dân cung cấp về những hiện tượng có biểu hiện tham nhũng; nêu ý kiến đề xuất, góp ý, hiến kế đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đề xuất của chính mình, báo chí còn nhiệt tình nêu ý kiến góp ý, hiến kế… của các tầng lớp nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, các vị lão thành cách mạng có nhiều uy tín, giầu kinh nghiệm,… Kết quả khảo sát cho thấy những ý kiến này là tâm huyết, sâu sắc, có giá trị, rất đa dạng được vận dụng và triển khai.

Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt được kết quả nêu trên là do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Ở Việt Nam, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và là diễn đàn của Nhân dân. Mọi nhà báo đều hoạt động trong một cơ quan báo chí nhất định. Cơ quan báo chí bao giờ cũng có cơ quan chủ quản của mình. Do đó, có thể khẳng định, các nhà báo về cơ bản đều không những được bảo đảm về quyền lợi vật chất và tinh thần mà còn bảo đảm nhân thân hành nghề. Họ được pháp luật bảo vệ, được cơ quan chỉ đạo và bảo lãnh trong quá trình tác nghiệp. Hoạt động báo chí của họ là hoạt động công vụ, thực hiện nhiệm vụ do tổ chức, đơn vị giao. Với vị thế nêu trên, báo chí nước ta, không chỉ được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tin cậy mà còn được tạo điều kiện tốt để hoạt động và phát triển, để hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Báo chí nước ta thực sự là diễn đàn của nhân dân, do đó, báo chí luôn được nhân dân hỗ trợ, tạo điều kiện để tác nghiệp, được tin cậy, quý mến cung cấp thông tin, bảo vệ, che chở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những thành công mà báo chí đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng có vai trò đặc biệt của nhân dân. Thật vậy, là diễn đàn của nhân dân, báo chí được nhân dân tin cậy cung cấp thông tin về những sự việc, hiện tượng có biểu hiện tham nhũng; nhân dân góp ý, đề xuất những giải pháp để báo chí chống tham nhũng đạt hiệu quả cao; nhân dân cổ vũ, động viên, bảo vệ, che trở các nhà báo trong quá trình tác nghiệp.

Hệ thống báo chí Việt Nam đã phát triển, lớn mạnh không chỉ phong phú về loại hình, số lượng đông đảo, chất lượng kỹ thuật hiện đại, in ấn đạt chất lượng cao. Cùng với đó, điều cơ bản hơn là chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ nhà báo được đào tạo tương đối bài bản, chuyên nghiệp, đông về số lượng, cao về chất lượng; hơn thế, đội ngũ báo chí của chúng ta được thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí Việt Nam đã được thụ hưởng những thành tựu to lớn và toàn diện của công cuộc đổi mới mang lại. Đó là đời sống vật chất, tinh thần của nhà báo từng bước được nâng cao; có điều kiện thuận lợi để nhà báo đi lại, di chuyển trong quá trình hoạt động báo chí; có điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật truyền thông hiện đại để các nhà báo tác nghiệp; có điều kiện phát triển các cơ sở hạ tầng các cơ quan báo chí trong quá trình tổ chức sản xuất và phát hành các sản phẩm báo chí... Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp báo chí phát triển mạnh mẽ cả về nguồn nhân lực, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng tạo ra những điều kiện thuận lợi đối với hoạt động báo chí nói chung và cuộc chiến phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Hội nhập và giao lưu quốc tế là một trong những nguyên nhân không thể không kể đến khi nói về thành công của báo chí trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Mở cửa hội nhập và giao lưu quốc tế trước hết mở ra cơ hội để báo giới Việt Nam hòa nhập cùng cộng đồng báo giới quốc tế qua đó vừa học hỏi được hoạt động tổ chức, quản lý, đào tạo báo chí, vừa học hỏi được kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp, tổ chức sản xuất tin, bài, các chương trình, sự kiện; tạo ra một môi trường dân chủ, công khai minh bạch; góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp của nhà báo; tạo điều kiện và cơ hội nâng cao trình độ ngoại ngữ; tận dụng và khai thác được thành tựu của khoa học công nghệ trong lĩnh vực báo chí và truyền thông; mở ra cơ hội tham gia hoạt động báo chí quốc tế, nhất là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Một số hạn chế trong phát huy vai trò của báo chí đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Công tác tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở không ít tờ báo vẫn còn mang tính hình thức, khô cứng, sáo mòn, chưa phong phú, hấp dẫn. Việc tuyên truyền các nội dung này thường mang tính vụ việc, nhất thời, không liên tục, thường xuyên. Bên cạnh đó, việc truyền thông, đưa tin, phổ biến kịp thời các ý kiến chỉ đạo, đánh giá của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các kết luận của các cuộc họp, giao ban cấp cao… về phòng, chống tham nhũng thông tin đôi khi không đầy đủ, phiến diện, thậm chí lệch lạc, thổi phồng… dẫn đến phản tác dụng.

Thông tin báo chí có lúc còn chậm, không đầy đủ, chất lượng còn hạn chế chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Thật vậy, nhìn chung thông tin trên báo chí về cuộc chiến phòng, chống tham nhũng chủ yếu do các cơ quan chức năng cung cấp. Nghĩa là chỉ khi sự việc tham nhũng đã được hoặc đang được xử lý và đến khi đó nếu cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho báo chí thì báo chí mới có thông tin để chuyển tải đến bạn đọc. Điều đó có nghĩa, tin tức báo chí cả về tính cập nhật, chất lượng, độ xác thực cơ bản phụ thuộc vào sự cung cấp thông tin của cơ quan chức năng, báo chí luôn bị động.

Sự chủ động, tích cực, tính độc lập của báo chí trong công tác thu thập thông tin, thông tin đến công chúng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Mặc dù gần đây báo chí có chủ động, tích cực trong tự thu thập thông tin hay kịp thời phản ánh ý kiến của nhân dân về các hiện tượng, sự việc có biểu hiện tham nhũng nhưng chưa nhiều. Có rất nhiều rào cản đối với sự tự điều tra, tìm hiểu, thu thập thông tin của báo chí. Có rất nhiều áp lực đối với báo chí trong sự phản ánh dư luận và ý kiến của người dân tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, báo chí rất khó tiếp cận được những nguồn thông tin chính thức, đầy đủ, toàn diện; vì thế mà thông tin báo chí đưa ra thường chỉ ở những khía cạnh, những biểu hiện bề ngoài, thông tin sơ lược, kém độ tin cậy và tính chính xác.

Các công cụ, phương tiện tác nghiệp, hành nghề, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ của cơ quan báo chí và các nhà báo nhìn chung còn thô sơ, lạc hậu, nhiều hạn chế. Mặc dù các cơ quan báo chí đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị công nghệ,… nhưng nhìn chung cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị của cơ quan báo chí và của đội ngũ nhà báo còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động tác nghiệp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Bản lĩnh, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nhà báo thời gian qua cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trong điều kiện kinh tế thị trường, không ít cán bộ, phóng viên bị đồng tiền, vật chất lung lạc làm cho thoái hóa, biến chất. Tham nhũng chính là biểu hiện của thực tế đó. Do bản lĩnh nghề nghiệp kém, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp không được thường xuyên trau dồi, rèn luyện nên đã có không ít nhà báo lợi dụng nghề báo để trục lợi. Họ bị đồng tiền lung lạc, bị những đối tượng tham nhũng mua chuộc, sa ngã, đã đưa và nhận hối lộ, bẻ cong ngòi bút, đưa tin sai sự thật… Không ít nhà báo đã trở thành tội phạm, bị xử lý hình sự.

Những hạn chế, yếu kém của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua là do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Sở dĩ công tác tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa được thực hiện tốt một phần là do báo chí ít khi được tham gia vào quá trình thảo luận, xây dựng các chủ trương, quan điểm và chính sách; đồng thời, đội ngũ nhà báo cũng ít được triển khai học tập, phổ biến về các nội dung này một cách sâu sắc; do đó, báo chí luôn có cảm giác là người bên lề, ngoài cuộc, sự hiểu biết các chủ trương, quan điểm, chính sách về phòng, chống tham nhũng thường kém sâu sắc và không đầy đủ.

Sự phụ thuộc, bị động của báo chí dẫn đến thông tin không đầy đủ, kịp thời và sai lệch. Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân. Đó trước hết là sự phụ thuộc của báo chí. Thật vậy, ở nước ta bất cứ cơ quan báo chí nào cũng là một cơ quan ngôn luận của một cơ quan Đảng, Nhà nước hay tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp nhất định. Tính độc lập trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của tòa soạn rất tương đối, tòa soạn hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản. Bên cạnh đó, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức cùng với hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật, họ đều có nội quy, quy chế, quy định riêng. Vì vậy, hoạt động báo chí, nhất là hoạt động phòng, chống tham nhũng sẽ không thể thực hiện được nếu các cơ quan, đơn vị không hợp tác, không cho phép tác nghiệp.

Thực tế trên đây cho thấy báo chí bị phụ thuộc, lệ thuộc và khó tiếp cận kịp thời, chính xác thông tin trong quá trình tác nghiệp. Chính điều này phần nào đã hạn chế vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Cho đến nay chưa có cơ chế, chính sách, chế tài đặc thù dành cho báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chính sự thiếu hụt này đã làm cho báo chí không có điểm tựa vững chắc để phát huy vai trò của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong cuộc chiến chống tham nhũng nhiều cam go, nguy hiển, báo chí không đủ hành lang pháp lý để chủ động tác nghiệp; nhà báo không có quyền sử dụng các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, nghiệp vụ để thu thập và khai thác thông tin; nhà báo không được bảo vệ; nhân dân không dám công khai hỗ trợ báo chí vì không được bảo vệ; chưa có chế độ chính sách hỗ trợ, động viên nhà báo khi đạt được thành công trong công tác đấu tranh chống tham nhũng…

Sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ quan báo chí còn hạn chế, công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ báo chí chưa được quan tâm thường xuyên, đời sống vật chất và tinh thần của nhà báo nhìn chung còn nghèo nàn. Đây là những nguyên nhân rất căn bản, rất thực tế dẫn đến hạn chế sự phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua.

Nhìn chung, cơ sở vật chất của đa số cơ quan báo chí ở nước ta còn thô sơ, nghèo nàn, chật chội; các trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, thiếu tính đồng bộ, chất lượng kém; công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận, ngoại ngữ… ít được quan tâm, ở một số biên tập viên, phóng viên việc trau dồi nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện, xây dựng nhân cách nhà báo không được thường xuyên, liên tục; bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhà báo còn hết sức nghèo nàn. Lương thấp, nhuận bút khônsg phù hợp. Nhà báo do phải xoay sở kiếm sống nên chưa yên tâm công tác, chưa toàn tâm toàn ý với công việc, chưa hết lòng với sự nghiệp báo chí nói chung và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng.