Phòng chống rửa tiền: Yêu cầu cấp bách

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Các chuyên gia tư vấn quản trị rủi ro nước ngoài cho rằng, phần lớn tổ chức tài chính, tín dụng trong nước chưa đánh giá hết tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp phòng chống rửa tiền, vì cho rằng đó chưa thực sự là vấn đề thiết thân, đem lại giá trị lợi nhuận cho ngân hàng.

Phòng chống rửa tiền: Yêu cầu cấp bách
Phần lớn tổ chức tài chính, tín dụng trong nước chưa đánh giá hết tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp PCRT. Nguồn: internet

Trách nhiệm thực thi điều chỉnh bởi luật

Tại Hội thảo “Quản trị rủi ro vận hành hiệu quả”, diễn ra sáng 8/5/2014 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, ngay từ bây giờ các tổ chức tín dụng (TCTD) phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp hữu hiệu về phòng chống rửa tiền (PCRT), tài trợ khủng bố. Đồng thời, khi có sự việc xảy ra, ngân hàng thương mại (NHTM) phải báo cáo ngay với NHNN, cung cấp cho cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời ngăn chặn hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCRT, tài trợ tiền cho lực lượng khủng bố.

Ông Ngọc khẳng định, việc triển khai và áp dụng các biện pháp PCRT đối với các TCTD là việc làm bắt buộc, bởi yêu cầu cấp bách này đã trở thành quy định rõ ràng, cụ thể của pháp luật Việt Nam, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ chứ không phải là hành động duy ý chí hoặc phụ thuộc thái độ muốn hoặc không muốn thực hiện của người lãnh đạo cũng được.

Trước đó, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong nước và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ Luật Hình sự trong đó có ghi rõ tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thành tội rửa tiền. Luật này có quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền. Đặc biệt, Luật nhấn mạnh về vai trò cũng như yêu cầu đối với các TCTD trong công tác PCRT.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính nhận định, mặc dù quy định về PCRT hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn phát triển của nền tài chính quốc gia cũng như phù hợp với yêu cầu đặt ra của quốc tế trong quá trình toàn cầu hóa. Nhưng chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về PCRT mới chỉ bị xử lý vi phạm hành chính.

Tính đến thời điểm hiện tại, quy định xử phạt hành chính về PCRT áp dụng cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng dù đã được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 202 của Chính phủ, nhưng vẫn là duy trì mức độ xử phạt vi phạm hành chính và đang trong quá trình chờ xem xét trước khi ban hành. Chính vì yếu tố này, hiện nay một số ngân hàng vẫn chưa thực sự đánh giá cao đối với việc cần thiết phải áp dụng các biện pháp PCRT, dù NHNN đã yêu cầu rõ về vấn đề này.

Nhưng thực hiện vẫn tùy nghi

Trưởng ban Quản trị rủi ro của SHB cho biết, thực tế do yêu cầu đặt ra từ phía cơ quan quản lý, hiện nay phần lớn các NHTM đều đã triển khai các biện pháp phát hiện, ngăn ngừa rửa tiền qua ngân hàng. Tuy nhiên, một phần do chi phí, một phần do ý chí chủ quan của đội ngũ quản lý nên chủ yếu các biện pháp triển khai PCRT thông qua Core Banking, Banknet vẫn do các ngân hàng tự triển khai với mức độ vừa phải. Chính vì vậy, sự liên thông quốc tế hoặc tự động sàng lọc hoàn toàn vẫn còn một số hạn chế.

Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm chính là ngoài các giao dịch chuyển tiền điện tử thì các giao dịch chuyển tiền trực tiếp rất dễ bị “lọt lưới”, bởi phụ thuộc chính vào yếu tố con người. Thời gian gần đây, không ít NHTM đã gặp phải các sự cố phát hiện những giao dịch chuyển tiền nghi ngờ có liên quan đến hành vi rửa tiền và ngăn chặn lại theo hệ thống cập nhật thông tin danh sách các đối tượng từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, rủi ro vẫn có thể xảy ra khi hệ thống quản trị rủi ro, PCRT không hoàn thiện.

Các chuyên gia tư vấn quản trị rủi ro nước ngoài tham gia hội thảo cũng cho rằng, phần lớn tổ chức tài chính, tín dụng trong nước chưa đánh giá hết tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp PCRT, vì cho rằng đó chưa thực sự là vấn đề thiết thân, đem lại giá trị lợi nhuận cho ngân hàng. Chính vì vậy, một số ngân hàng áp dụng hệ thống cập nhật, theo dõi, lọc giao dịch chưa thật chuẩn xác, đồng bộ theo chuẩn quốc tế, cũng như chính nhân viên ngân hàng trong quá trình giao dịch cũng chưa mấy quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, triển khai hệ thống quản trị rủi ro, PCRT theo chuẩn mực quốc tế chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực về chi phí cho các NHTM, nhất là các ngân hàng có quy mô trung bình và nhỏ. Tuy nhiên, đây là việc làm không thể bỏ qua do không chỉ đem lại uy tín cho ngân hàng, mà các khách hàng cũng được hưởng lợi khi có các giao dịch ngoại tệ với thị trường quốc tế. Bởi trong bối cảnh hiện nay, phạm vi hoạt động của một ngân hàng, cũng như giao dịch của các khách hàng không chỉ gói gọn trong phạm vi của một quốc gia. Chính vì vậy, đầu tư cho hệ thống quản trị rủi ro, PCRT là đầu tư cho hoạt động an toàn và bền vững, chuẩn hóa theo hoạt động tài chính với thị trường quốc tế chứ không đơn thuần là vấn đề chi phí.

Theo quy định của pháp luật, các ngân hàng phải báo cáo hàng ngày về giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử với mức 300 triệu đồng đối với giao dịch nộp, rút tiền mặt thông thường và 500 triệu đồng đối với giao dịch gửi rút tiền tiết kiệm bằng tiền mặt.

Đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước và quốc tế, mọi giao dịch đều phải báo cáo, kể cả những giao dịch có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, NHNN đang xem xét quy định ngưỡng giá trị báo cáo đối với loại giao dịch này. Theo đó, đối với chuyển tiền điện tử quốc tế, dự kiến từ 1.000 USD trở lên sẽ báo cáo, đối với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước dự kiến sẽ từ 500 triệu đồng trở lên.