Quản lý chặt ghi nhãn hàng hóa, tránh giả mạo xuất xứ

Theo baohaiquan.vn

Theo Hải quan TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua có nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam khi xuất khẩu đề nghị được dán nhãn xuất xứ nước ngoài cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo yêu cầu của người nhập khẩu, làm sai bản chất hàng hóa, vi phạm pháp luật Việt Nam.

 Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV1 làm thủ tục cho DN. Nguồn: baohaiquan.vn
Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV1 làm thủ tục cho DN. Nguồn: baohaiquan.vn

Giả mạo xuất xứ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tạm giữ 3 container thuốc lá xuất khẩu đi Hồng Kông trị giá trên 4,2 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thuốc lá C.L do khai sai chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứtrên bao bì.

Khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp khai báo hàng xuất khẩu gồm 3 container (loại 40 feets) thuốc lá nhãn hiệu Master, được đóng trong 2.820 thùng carton, thuế suất thuế xuất khẩu 0%.

Qua thông tin nghi vấn, Đội thủ tục hàng hóa xuất khẩu đã phối hợp với Tổ Kiểm soát của Chi cục thực hiện kiểm tra, phát hiện hàng hóa đúng khai báo hải quan về tên hàng, số lượng. Tuy nhiên, trên bao bì gói thuốc và tube thuốc đều thể hiện made in Armenia.

Theo giải trình của doanh nghiệp, thiết kế bao bì, thùng carton của lô hàng được doanh nghiệp sản xuất theo yêu cầu của người mua và được thể hiện trên hợp đồng ngoại thương.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30-8-2006 quy định, trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.

Căn cứ quy định tại Luật Hải quan năm 2014 về những hành vi bị nghiêm cấm và trách nhiệm của người khai hải quan, trường hợp nêu trên doanh nghiệp có lỗi là thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan cho lô hàng trên.

Căn cứ Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trường hợp trên, doanh nghiệp có hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Hiện vụ việc đang được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trao đổi với Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh để xử lý.

Quy định rõ về ghi nhãn hàng hóa

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trên thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam khi xuất khẩu đề nghị được dán nhãn xuất xứ nước ngoài cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo yêu cầu của người nhập khẩu.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc ghi nhãn như vậy làm sai lệch bản chất xuất xứ của hàng hóa và vi phạm pháp luật Việt Nam về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30-8-2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa lại không quy định rõ vấn đề này, gây khó khăn vướng mắc trong việc làm thủ tục XNK, cũng như xử lý những vụ việc vi phạm.

Để khắc phục tồn tại nêu trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần bổ sung và sửa nội dung quy định tại khoản 3 Điều 5 như sau: "Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá được thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hoá, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu."

Cũng liên quan đến ghi nhãn hàng hóa, tại Khoản 3, Điều 10 của Nghị định 89 có đề cập: Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của nghị định này trước khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, quy định như trên gây khó khăn cho cơ quan Hải quan khi kiểm tra, kiểm soát hàng hóa XNK và không đủ cơ sở cho cơ quan Hải quan trong việc thực chính sách XNK và quản lý chuyên ngành ngay tại khâu nhập khẩu.

Chẳng hạn, ngày sản xuất và hạn sử dụng của hàng hóa là những thông tin quan trọng trong việc kiểm tra chuyên ngành và thực hiện chính sách XNK đối với mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm… tại khâu nhập khẩu.

Chính vì thế, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề xuất nhãn gốc của hàng hóa bắt buộc phải thể hiện: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; ngày sản xuất và hạn sử dụng của hàng hóa (đối với hàng hóa phải thể hiện nội dung này).