Quản lý hoạt động lập vi bằng: Siết chặt để tránh hệ lụy

Theo Nguyễn Minh/daibieunhandan.vn

Việc không ít người dân có sự nhầm lẫn giữa giá trị pháp lý của hoạt động lập vi bằng và công chứng các giấy tờ liên quan đến quyền sử hữu đất đai đã tiềm ẩn những rủi ro pháp lý khi có tranh chấp. Siết chặt hoạt động quản lý thông qua việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp; đồng thời xác định rõ phạm vi hoạt động của việc lập vi bằng có phải là giải pháp căn cơ?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lập vi bằng để hợp thức hóa 
Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh, vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”, trường hợp có tranh chấp về vi bằng thì “các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết”.
Như vậy, về bản chất, việc lập vi bằng chính là tạo lập chứng cứ. Bên cạnh đó, Nghị định 103/NĐ-CP của Chính phủ quy định, thừa phát lại (TPL) không được lập vi bằng đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của công chứng, bao gồm các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất. Việc mua bán bất động sản phải theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Theo đó, các loại hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực gồm (hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất).

Theo quy định của pháp luật, khi thực hiện việc lập vi bằng, TPL phải giải thích rõ cho người dân hiểu giá trị của loại giấy tờ này. Cụ thể, TPL phải giải thích rõ vi bằng chỉ là văn bản được lập nhằm ghi nhận khách quan một sự kiện, hành vi có thực xảy ra. Vi bằng không xác thực nội dung thỏa thuận, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên và không có giá trị như văn bằng công chứng.

Quy định của pháp luật đã rõ ràng tuy nhiên trên thực tế lại là chuyện khác. Không hiếm cá nhân, tổ chức khi sử dụng dịch vụ lập vi bằng hiểu nhầm (hoặc cố tình) có giá trị thay thế văn bản công chứng. Thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm TPL cho thấy, có hai trường hợp phổ biến nhờ đến lập vi bằng.

Thứ nhất là nhà, đất chuyển nhượng chưa đủ điều kiện hợp lệ hoặc để giảm thiểu nghĩa vụ tài chính. Thứ hai, lợi dụng việc lập vi bằng để phân lô bán đất nông nghiệp trái phép. Liên quan đến vấn đề này, ngay chính TPL cũng có những cách hiểu chưa thống nhất. Ý kiến thứ nhất cho rằng, TPL không được lập vi bằng liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng những tài sản này vì đó là những giao dịch trái pháp luật.

Việc lập vi bằng cũng đồng nghĩa với việc hợp thức hóa giao dịch trái pháp luật. Ý kiến còn lại lập luận, hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà, đất không có giấy chứng nhận hiện nay rất phổ biến dưới hình thức hợp đồng viết tay, nếu không thông qua vi bằng thì hoạt động đó vẫn diễn ra. Do vậy, việc  lập vi bằng trong trường hợp này là để bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch.

“Khoanh vùng” lĩnh vực

Là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm, nên đến thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh có số lượng lớn văn phòng TPL hoạt động, đại diện Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh nêu thực tế, năm 2017 số lượng vi bằng mà TPL đã lập là 55.000. Chính vì thế, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý đối với việc lập vi bằng, đại diện Sở này cũng đề xuất thu phí khi thực hiện đăng ký vi bằng tại Sở.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, phải chấn chỉnh triệt để, siết chặt quản lý, chỉ đạo điều hành để hạn chế tối đa các sai sót, hệ lụy trong hoạt động lập vi bằng. Muốn làm được điều này, vấn đề mấu chốt phải bắt đầu từ thể chế.

Theo đó, cần rà soát, lập danh mục các lĩnh vực mà TPL được lập vi bằng. Cũng là một trong những tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm TPL, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội thừa nhận đang rất khó quản lý đối với những trường hợp TPL không giải thích giá trị pháp lý của vi bằng. Bởi vì khi có tranh chấp thì mới biết TPL không giải thích, lúc đó thì hậu quả pháp lý đã xảy ra rồi.

Thực tế, việc quản lý vi bằng không thể dừng lại ở việc các Văn phòng TPL phải thực hiện việc đăng ký thủ tục, bởi đây là hoạt động mới mẻ đối với người dân và ngay cả cơ quan chức năng. Vai trò quản lý của Nhà nước cần được thể hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra về hình thức cũng như kiểm soát nội dung của vi bằng. Để làm được điều này, cần bổ sung trách nhiệm công khai thông tin đăng ký vi bằng trên cổng thông tin đăng ký vi bằng của Sở Tư pháp và trang thông tin điện tử của văn phòng TPL.

Ngoài ra, cũng như nhiều lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác, đạo đức nghề nghiệp TPL và ý thức pháp luật người dân là hai yếu tố góp phần quan trọng tới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, muốn hạn chế tối đa các phát sinh trong hoạt động lập vi bằng, cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; cần xử lý nghiêm các TPL vi phạm đạo đức hành nghề, vi phạm pháp luật.