Rối rắm quy định về ủy quyền

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Có quá nhiều quy định về ủy quyền trong mỗi ngành luật đã gây ra sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt.

Nhu cầu thực hiện giao dịch qua đại diện ủy quyền khá phổ biến. Nguồn: internet
Nhu cầu thực hiện giao dịch qua đại diện ủy quyền khá phổ biến. Nguồn: internet

Thực tế giải quyết một số vụ tranh chấp cho thấy có nhiều rủi ro đến từ việc ủy quyền. Đã có trường hợp ngân hàng cho khách hàng vay và nhận tài sản bảo đảm là bất động sản của bên thứ 3. Với hợp đồng ủy quyền của chủ sở hữu tài sản, ngân hàng tưởng như có thể yên tâm, nhưng khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng tiến hành xử lý tài sản bảo đảm thì bên thứ 3 cho rằng, thực chất họ không ủy quyền, không sử dụng tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Và khi tranh chấp được đưa ra cơ quan tài phán thì hợp đồng ủy quyền bị tuyên bố là vô hiệu do đó, việc thế chấp tài sản cũng vô hiệu theo.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, nhu cầu thực hiện giao dịch qua đại diện ủy quyền khá phổ biến. Việc ủy quyền đã được quy định trong các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay có nhiều văn bản pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau đều điều chỉnh ủy quyền và hình thức ủy quyền như pháp luật dân sự, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp (DN), ngân hàng, tố tụng…, dẫn tới tình trạng chồng chéo, rối rắm.

Đơn cử, trong các giao dịch bất động sản, Nghị định 04/2013 quy định việc ủy quyền có thù lao, có bồi thường để chuyển quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng ủy quyền. Nghị định 71/2010 quy định ủy quyền quản lý sử dụng nhà ở, cho thuê nhà phải được công chứng, chứng thực. Nghị định 181/2004 lại quy định hộ gia đình, cá nhân ủy quyền thì phải lập bằng văn bản, có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc của công chứng nhà nước thì mới có giá trị pháp lý.

“Như vậy, cùng một khối tài sản là đất và nhà trên đất, nhưng hình thức ủy quyền lại khác nhau. Điều này làm khó cho các đương sự khi có tranh chấp”, Luật sư Truyền nhận xét. 

Không chỉ đối với giao dịch bất động sản, pháp luật dân sự cũng có quy định về ủy quyền, theo đó ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp quy định phải lập văn bản, nhưng thực tế rất khó chứng minh sự ủy quyền nếu chỉ là lời nói hay hành vi. Bộ luật Dân sự cũng có quy định về hợp đồng ủy quyền, nhưng vấn đề ủy quyền đơn phương như quyết định ủy quyền, thư ủy quyền… chưa được quy định rõ, dẫn đến tranh chấp về vấn đề ủy quyền.

Tương tự, pháp luật DN có quy định về ủy quyền trong hoạt động của DN, theo đó, người đại diện theo pháp luật của DN có thể ủy quyền cho người khác thực hiện toàn bộ hoặc một phần công việc. Về hình thức, đó là giấy ủy quyền, thư ủy quyền, hợp đồng ủy quyền, quyết định ủy quyền. Thế nhưng do Luật DN quy định không rõ ràng, dẫn đến tình trạng cơ quan có thẩm quyền có cách giải thích và vận dụng khác nhau, có lúc thừa nhận ủy quyền có giá trị pháp lý, có lúc lại phủ nhận. Chẳng hạn, khi ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ đăng ký DN, quy định là phải xuất trình văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật nhưng lại không quy định rõ là hợp đồng ủy quyền (có chữ ký 2 bên) hay ủy quyền đơn phương.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, có quá nhiều quy định về ủy quyền trong mỗi ngành luật đã gây ra sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt. Điều này dẫn đến tình trạng hiểu và vận dụng pháp luật không thống nhất và việc thống nhất quy định về ủy quyền là cần thiết để đảm bảo các bên tham gia giao dịch thực hiện ủy quyền đúng quy định và có giá trị pháp lý.