Gửi tiết kiệm:

Rủi ro từ mối quan hệ riêng với nhân viên ngân hàng

LUẬT SƯ TRẦN ĐÌNH DŨNG - Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM, Trung ương Hội luật gia Việt Nam

Vụ một khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank có khả năng mất trắng 245 tỉ đồng do nguyên phó giám đốc chi nhánh Eximbank TP. Hồ Chí Minh Lê Nguyễn Hưng rút ruột sổ tiết kiệm và bỏ trốn ra nước ngoài, một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người gửi tiền ngân hàng.

Vụ một khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank có khả năng mất trắng 245 tỉ đồng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người gửi tiền ngân hàng.
Vụ một khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank có khả năng mất trắng 245 tỉ đồng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người gửi tiền ngân hàng.

Tất cả các ngân hàng hiện nay đều có chương trình săn sóc đặc biệt đối với khách hàng VIP (khách hàng gửi tiền giá trị lớn, hàng tỉ đồng trở lên tùy quy định của từng ngân hàng). Nhiều ngân hàng phân công lãnh đạo, chuyên viên tín dụng phụ trách từng nhóm khách VIP, tạo mối quan hệ thân tình “như người nhà” giữa họ với ngân hàng.

Khách VIP đến giao dịch được săn sóc bằng cửa riêng để không bị mất thời gian chờ đợi, thậm chí ngân hàng cử người gồm lãnh đạo phòng giao dịch, chi nhánh, nhân viên giao dịch, thủ quỹ và cả máy đếm tiền đến tận nhà hoặc nơi làm việc để khách thực hiện giao dịch cho tiện lợi.

Chính mối quan hệ săn sóc đặc biệt này là mầm móng phát sinh rủi ro cho người gửi tiền hạng VIP một khi khách hàng quá tin nhân viên ngân hàng mà lược bỏ nhiều thủ tục.

Khi mối quan hệ đã thân tình “như người nhà”, khách hàng thường tin tưởng đến độ ký khống chứng từ, ký ủy quyền giao dịch, giao giữ giúp sổ tiết kiệm, không kiểm tra số dư qua ebanking (ngân hàng điện tử)… Điều này chẳng khác gì trao chiếc chìa khóa két sắt để nhân viên ngân hàng tự giao dịch giúp cho khách hàng.

“Cầm chiếc chìa khóa” mở ra một tài khoản tiền lớn có thể động đến lòng tham của một số nhân viên ngân hàng. Đó chính là “điểm gốc” xảy ra các vụ khách hàng bị rút mất tiền, mặc dù quy trình giao dịch rút tiền, chuyển tiền ở các ngân hàng hiện được xây dựng trên nền tảng hàng loạt quy định pháp luật rất chặt chẽ.

Trong nhiều vụ án nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng, hầu hết đều có yếu tố khách tin tưởng thái quá vào kẻ lừa đảo, không tách bạch mối quan hệ khách hàng - ngân hàng và mối quan hệ cá nhân với nhân viên ngân hàng ra khỏi nhau. 

Khi giải quyết tại tòa, rất khó có căn cứ để tòa án tuyên buộc ngân hàng phải trả tiền cho khách hàng bởi các giao dịch rút tiền trên sổ sách giấy tờ đều đầy đủ theo quy trình luật định và tòa án phải tôn trọng chứng cứ sổ sách theo các nguyên tắc tố tụng. 

Trên lý thuyết luật định thì tòa án không để người bị chiếm đoạt tiền mất tiền, mà bằng phán quyết buộc cá nhân người phạm tội do rút ruột tài khoản của người gửi để hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.

Nhưng trên thực tế, hầu như ai cũng biết người phạm tội khi ra tòa đã không còn tiền để hoàn trả, không còn tài sản hoặc quá ít để cưỡng chế phát mãi thu hồi tiền. Hay nói cách khác, trong thực tế khách hàng bị mất trắng tiền. 

Nhằm tránh rủi ro, không bị mất tiền tức tưởi như nhiều vụ việc gần đây, người gửi tiền nên lưu ý đặc biệt không ký khống các chứng từ ngân hàng, không ủy quyền, không giao nhân viên ngân hàng giữ giúp sổ tiết kiệm, thỉnh thoảng kiểm tra thông tin tiền ebanking trên điện thoại.