Sai phạm trong kinh doanh xăng dầu: Chỉ xử lý việc đã rồi sẽ không giải quyết được vấn đề

Theo Đại Biểu Nhân dân

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra một số vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như: cây xăng nhận môi giới hối lộ cho cảnh sát giao thông; pha chế xăng dầu trái phép; kinh doanh không có giấy phép... Trước tình trạng này, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo khẩn, thông tin về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý những việc đã rồi thì sẽ không giải quyết được gốc của vấn đề.

Sai phạm trong kinh doanh xăng dầu: Chỉ xử lý việc đã rồi sẽ không giải quyết được vấn đề
Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu. Nguồn: Internet
Sai phạm mới nhất trong kinh doanh xăng dầu mới được phát hiện là việc cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Nội thực chất chỉ là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ của quân đội. Đây là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ nên không có chức năng kinh doanh bán lẻ, song lâu nay vẫn bán xăng cho người dân.

Và sai phạm khác khiến dư luận bức xúc hơn cả là hiện tượng rút ruột, pha chế, mua bán xăng dầu trái phép, bởi lẽ xăng dầu không bảo đảm chất lượng được cho là một nguyên nhân khiến nhiều xe máy tự nhiên bốc cháy thời gian qua. Sau một năm từ khi hiện tượng rút ruột, pha chế, mua bán xăng dầu trái phép bị phát hiện, không còn tình trạng xe máy bốc cháy giữa đường nữa. Do đó, dư luận ngỡ ngàng khi phương tiện truyền thông cung cấp hình ảnh rút ruột, pha chế xăng dầu trái phép trên địa bàn phường Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh.

Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Đỗ Thanh Lam cho biết, ngay khi vụ việc bị phát giác, đoàn công tác của Cục đã trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với các lực lượng chức năng làm rõ vụ việc. Chiếc xe téc có hành vi rút ruột xăng dầu thuộc đại lý của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Bộ Công thương đã yêu cầu PV Oil dừng cung cấp xăng dầu cho các đại lý có dấu hiệu vi phạm chờ kết luận của cơ quan công an.

Tuy nhiên, vấn đề báo chí và người tiêu dùng quan tâm là ngoài những vụ việc mà báo chí phát giác được, thì còn bao nhiêu vụ vi phạm vẫn đang diễn ra mà chưa bị phát hiện? Người tiêu dùng có yên tâm với chất lượng xăng dầu không nếu vẫn còn những hành vi gian lận? Trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường đối với những hành vi gian lận này như thế nào?

Phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, cần làm rõ hơn trách nhiệm của quản lý Nhà nước đối với cả những vụ việc cây xăng có hành vi gian lận thương mại, ăn bớt, đong thiếu xăng dầu cho khách hàng. Cơ quan quản lý cần ngăn chặn từ ngọn những sai phạm này, thay vì chỉ đôn đốc đơn vị sai phạm thực hiện đền bù sau khi Hiệp hội, người tiêu dùng phát hiện, khởi kiện.

Từ những vụ vi phạm liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương vừa có văn bản yêu cầu các Sở Công thương khẩn trương, tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.

Bộ đề nghị phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các cửa hàng vi phạm, kiên quyết loại bỏ những cửa hàng xăng dầu không nằm trong quy hoạch. Đồng thời, rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhất là khu vực gần kho, cảng, tuyến đường vận chuyển chính; quản lý chặt các cơ sở dễ xảy ra tình trạng rút ruột, pha chế, mua bán xăng dầu trái phép...

Đồng thời, các Sở Công thương cần chủ động phối hợp cơ quan Phòng cháy chữa cháy thường xuyên tổ chức kiểm tra phòng chống cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương cũng cho biết, đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp lực lượng chức năng rà soát, kiểm tra và xử lý những cửa hàng xăng dầu có hành vi bảo kê, thu tiền mãi lộ với chủ các phương tiện, lái xe có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đã có rất nhiều văn bản điều chỉnh, với một đội ngũ khá hùng hậu - hơn 6.000 cán bộ quản lý thị trường hoạt động trên khắp cả nước, cùng với đó là cả Ban chỉ đạo 127 về công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, cùng các lực lượng chức năng liên ngành khác…, nhưng hơn 7.000 vụ vi phạm được cơ quan quản lý thị trường phát hiện thời gian qua vẫn chỉ là những vụ vi phạm nhỏ lẻ. Những hành vi rút ruột xăng dầu, pha tạp chất chế tạo xăng bẩn đều do các cơ quan thông tấn báo chí phát hiện.

Việc xử lý theo kiểu sự đã rồi như thế sẽ không triệt được tận gốc của vấn đề.