Sai sót tại 4 dự án giao thông ở Cần Thơ: Có hay không chuyện bán thầu?

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Sau khi bị Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) “tuýt còi” tại 4 dự án giao thông, với vai trò là chủ đầu tư, Sở GTVT Cần Thơ đã khẩn trương rà soát lại từng dự án, xác định sai sót.

Đường Cần Thơ - Vị Thanh (đoạn Cần Thơ) sau gần 2 năm đưa vào sử dụng. Nguồn: internet
Đường Cần Thơ - Vị Thanh (đoạn Cần Thơ) sau gần 2 năm đưa vào sử dụng. Nguồn: internet

Làm sáng tỏ nhiều vấn đề

Trong quá trình thanh tra công tác quản lý, thực hiện các dự án công trình giao thông thi công từ năm 2009 - 2013 tại TP. Cần Thơ, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra những sai sót tại 4 công trình xây dựng đường giao thông (Báo Đầu tư có thông tin trên số báo ngày 19/2).

Ngay sau khi có kết luận thanh tra, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Công văn số 745/UBND-XDĐT về việc thực hiện kết luận thanh tra, giao Giám đốc Sở GTVT và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, thực hiện nghiêm kết luận thanh tra.

Ông Trịnh Ngọc Vĩnh, Phó giám đốc thường trực, kiêm người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Sở GTVT Cần Thơ cho biết, kết quả rà soát bước đầu và tổng hợp báo các từ các đơn vị trực thuộc đã làm sáng tỏ một số sai sót theo kết luận của Thanh tra.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn nợ khối lượng hơn 174 tỷ đồng của 7 dự án. Tuy nhiên, số vốn mà chủ đầu tư nợ trên phiếu giá (đủ thủ tục để thanh toán) chỉ là 88,8 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã thanh toán cho nhà thầu gần 67 tỷ đồng, đạt trên 74%.

Liên quan đến phản ánh của một số nhà thầu về tỷ lệ tạm ứng chênh lệch nhau và nghi ngờ về sự ưu ái đặc biệt cho nhà thầu “thân quen” tại Dự án Mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui, kết quả rà soát và kiểm tra cho thấy, trong 5 gói thầu, thì có 4 gói được tạm ứng với tỷ lệ 20%, chỉ có 1 gói (gói số 5) được tạm ứng với tỷ lệ 25%.

Lý giải vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho rằng, gói thầu số 5 là cầu và đường dẫn sông Cái Sâu, vì mặt bằng thi công có sẵn và nhà thầu cần nguồn vốn nhỉnh hơn để tập kết vật tư đúc sẵn bê tông, cấu kiện đảm bảo tiến độ, nên chủ đầu tư xét cho nhà thầu này tạm ứng với tỷ lệ cao hơn.

Nguyên tắc tạm ứng vốn được chủ đầu tư thực hiện trên cơ sở xem xét điều kiện thực tế từng gói thầu, nhưng không vượt quá 50% theo Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Về việc từ tháng 3/2011, Dự án Mở rộng Quốc lộ 91 đoạn từ bến xe mới đến Trà Nóc có quyết định đình hoãn, giãn tiến độ, nhưng đến tháng 8/2011, chủ đầu tư vẫn chưa thu hồi 41 tỷ đồng cho 3 nhà thầu tạm ứng, ông Vĩnh giải thích: “Tại thời điểm Dự án đình hoãn, một số nhà thầu đã sử dụng một phần vốn tạm ứng để mua các cấu kiện, tập kết vật tư, phương tiện… Hơn nữa, thời điểm Chính phủ cắt giảm đầu tư công, nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn, nên tiến độ thu hồi rất chậm”.

Có hay không việc bán thầu?

Một vấn đề nổi cộm là có hay không tình trạng bán thầu khi kết luận của thanh tra cho biết, Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Công ty cổ phần Công trình và Thương mại GTVT, Tổng công ty Thành An, Công ty cổ phần Xây dựng Vinashin, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hương Giang sau khi trúng thầu, trúng chỉ định thầu đã không thực hiện, mà ủy quyền cho đơn vị không có tên trong hồ sơ dự thầu và chưa được sự chấp thuận của chủ đầu tư.

Vấn đề này được ông Vĩnh lý giải: “Một số công ty sau khi trúng thầu, trúng chỉ định thầu đã ủy quyền cho đơn vị trực thuộc thực hiện. Đây không phải là bán thầu, vì chịu trách nhiệm về toàn bộ gói thầu vẫn là các nhà thầu chính”.

Lý giải việc Công ty cổ phần Kiến trúc và Xây dựng Mekong Miền Tây mới thành lập được 4 tháng mà trúng thầu tư vấn, ông Vĩnh cho biết, tiền thân của công ty này là Công ty cổ phần Kỹ thuật Mekong, được thành lập tháng 12/2006. Đây là đơn vị đã tham gia nhiều dự án của  Sở GTVT.

“Kết luận của Thanh tra đã giúp địa phương thấy được sai sót, khuyết điểm của mình để kịp chấn chỉnh quản lý sao cho tốt hơn. Sở GTVT Cần Thơ tiếp tục tập hợp ý kiến giải trình của đơn vị trực thuộc để báo cáo đúng như kế hoạch”, ông Vĩnh nói.