Sẽ xử lý doanh nghiệp không cổ phần hóa theo lộ trình

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Trong năm 2014 các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương nếu không thực hiện cổ phần hoá theo lộ trình, Bộ sẽ có biện pháp xử lý.

 Sẽ xử lý doanh nghiệp không cổ phần hóa theo lộ trình
Bộ Công Thương sẽ có biện pháp xử lý các doanh nghiệp không thực hiện cổ phần hoá theo lộ trình. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định như vậy trong Hội nghị đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và quán triệt thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP.

Theo Bộ trưởng, hiện nay việc triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá (CPH) của những doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân thoái vốn khó khăn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Phùng Đình Thực cho rằng: Theo yêu cầu, các doanh nghiệp phải thoái vốn nhưng trên nguyên tắc bảo toàn nguồn vốn tối đa, đây là thách thức và áp lực lớn nhất cho các doanh nghiệp. Do vậy, Nhà nước cần sớm có các chính sách, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có căn cứ thoái vốn đặc biệt là các doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ.

Mặt khác, Nghị định 71/2013/NĐ-CP quy định chỉ được trích 30% vào quỹ đầu tư phát triển, theo ông Thực quy định như vậy chưa hợp lý và không nên khống chế cho tất cả các doanh nghiệp một mức chung như trên, bởi nhu cầu đầu tư của mỗi doanh nghiệp khác nhau, thay vào đó nên căn cứ dựa trên quy hoạch, kế hoạch phát triển 5 năm đã được các cơ quan chủ quản phê duyệt để làm căn cứ, như vậy sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam, đơn vị hoàn thành sớm nhất về cổ phần hoá, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, các văn bản đã được quy định tương đối đầy đủ, tuy vậy luật chưa phân biệt cụ thể giữa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp trên 50% vốn Nhà nước. Như vậy rất khó cho các doanh nghiệp cổ phần.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Anh, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Tính đến ngày 31/3/2013 đã có 6.376 doanh nghiệp được sắp xếp lại, trong đó, cổ phần hóa 3.659 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn. 

Thừa nhận hiện nay thoái vốn của các doanh nghiệp còn chậm do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó kinh tế suy giảm, thị trường chứng khoán tính thanh khoản thấp nên doanh nghiệp bán cổ phần chưa thành công.

Ông Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá lại hoạt động sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách bất cập liên quan tới tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Vụ Tổ chức (Bộ Công Thương) đến nay, 100% các Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ này đã hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015. Sau khi rà soát lại các nhiệm vụ kinh doanh, hầu hết các tập đoàn và tổng công ty tập trung kinh doanh những ngành nghề chính và những ngành liên quan phục vụ cho ngành nghề kinh doanh chính.

Để đẩy nhanh hơn hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2013-2015 và các văn bản hướng dẫn kèm theo để làm cơ sở pháp lý trong việc thoái vốn, giảm vốn khi thực hiện đề án tái cơ cấu.