Siết chặt kê khai, nộp thuế từ giao dịch điện tử

PV.

Kinh doanh qua mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Cùng với sự phát triển của loại hình kinh doanh này cũng đặt ra bài toán quản lý và thách thức với cơ quan chức năng. Làm thế nào để thu thuế hiệu quả đối với loại hình này là bài toán đặt ra.

Các đơn vị kinh doanh trực tuyến của nước ngoài phải thiết lập đầu mối, văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam, để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong công tác quản lý nói chung va quản lý thuế nói riêng. Nguồn: Inter
Các đơn vị kinh doanh trực tuyến của nước ngoài phải thiết lập đầu mối, văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam, để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong công tác quản lý nói chung va quản lý thuế nói riêng. Nguồn: Inter

Thất thu đáng kể từ giao dịch điện tử

Thực tế hiện nay, các cơ quan thuế mới chỉ quản lý được các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử có đăng ký, còn các doanh nghiệp không đăng ký, thì vấn đề kê khai, nộp thuế hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.

Thêm vào đó, những năm gần đây ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân có được nguồn thu từ các giao dịch điện tử phát sinh tại nước ngoài. Ví dụ, một số cá nhân kinh doanh quảng cáo trên các trang mạng nước ngoài, hay có được nguồn thu từ các tổ chức nước ngoài chi trả thông qua mạng Internet và thẻ thanh toán quốc tế. Mặc dù, thu nhập của đa số các cá nhân này đều thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng hầu hết họ đều không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định. 

Ngoài ra, một số website cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, như: Agoda.com hay Booking.com với hình thức, khi khách đặt phòng qua mạng thành công, phía khách sạn phải chi trả cho những trang website này từ 10-25% giá cho thuê phòng. Cùng với sự phát triển nhanh của ngành Du lịch, doanh thu từ hoạt động đặt phòng trực tuyến này ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng/năm…Nhưng việc kê khai và nộp thuế theo quy định lại bị các tổ chức, cá nhân có thu nhập bỏ qua dẫn đến thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Với thực trạng này, hàng năm, Nhà nước đang mất đi một nguồn thu ngân sách đáng kể từ các loại thuế này, và khoản thất thu này sẽ ngày một nhiều hơn khi các giao dịch thương mại điện tử đang có xu hướng ngày càng phát triển mạnh. 

Siết chặt kê khai, nộp thuế phát sinh từ giao dịch điện tử

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014 và 2016), tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thương mại có nghĩa vụ nộp thuế từ các hoạt động thương mại mà không phân biệt giao dịch thương mại được thực hiện theo phương thức truyền thống hay thương mại điện tử.

Đồng thời, theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, với những trang web kinh doanh dịch vụ trực tuyến của nước ngoài, về nguyên tắc, dù họ không có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì đương nhiên phải có nghĩa vụ kê khai thuế.

Do vậy, nhằm hạn chế tình trạng thất thu từ hoạt động thương mại điện tử, mới đây Bộ Tài chính đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán theo hướng buộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải sử dụng Cổng thanh toán nội địa (Công ty cổ phần thanh toán quốc gia - Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước) để kiểm soát doanh thu của các dịch vụ này, từ đó, làm cơ sở khấu trừ nộp thuế. Hiện nay, loại hình này đã được các nước châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc thực hiện.

Thêm vào đó, một biện pháp khác của Bộ Tài chính được nhiều chuyên gia đánh giá cao là việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh trực tuyến của nước ngoài phải thiết lập đầu mối, văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam, để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong công tác quản lý nói chung va quản lý thuế nói riêng. 

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác thu thuế đối với các giao dịch điện tử, còn cần có sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngân hàng, các cơ quan quản lý chuyên ngành và các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi các thông tin về quản lý thuế, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của tổ chức, cá nhân khi phát sinh thu nhập từ các giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực thuế để tăng cường tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cố tình trốn thuế.