Tài khoản ngân hàng: Đóng - mở tùy thích?

Trong những vụ hợp tác làm ăn, khi giữa hai bên "cơm không lành canh không ngọt" hoặc tranh chấp tài sản cần đến sự phán xét của pháp luật, thì phong toả tài khoản là một động thái cần thiết để tránh rắc rối phát sinh. Thế nhưng, nhiều trường hợp, chính ngân hàng lại là bên "phớt lờ" phong toả vì nhiều lý do khác nhau.

Tài khoản ngân hàng: Đóng - mở tùy thích?
khi có tranh chấp và được yêu cầu hoặc lệnh phong toả, bản thân ngân hàng phải tôn trọng yêu cầu này để tránh trường hợp các bên tẩu tán tài sản. Nguồn: Internet

Ngân hàng phớt lờ yêu cầu phong tỏa

Đầu năm 2013, một vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH L.N (Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), do có tranh chấp trong nội bộ công ty, một thành viên – cũng là người đại diện theo pháp luật muốn tách khỏi công ty để thành lập một pháp nhân mới.

Biết được thông tin này, các cổ đông khác của công ty đã có công văn yêu cầu ngân hàng A. phong tỏa tài khoản với mục đích nhằm ngăn ngừa trường hợp tài khoản của công ty bị người đại diện cũ rút và tẩu tán tiền trong tài khoản.

Thế nhưng, sau khi tài khoản phong tỏa được vài ngày, Ngân hàng A. đột nhiên mở phong tỏa, khiến vị đại diện cũ của Công ty L.N. tẩu tán được một số tiền không nhỏ để giải quyết món nợ riêng của mình.

May mắn là sau đó không lâu, bị Công ty L.N dọa kiện, người đại diện này đã tự nguyện đem số tiền nộp lại vào tài khoản của công ty.

Mới đây, tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Bao bì Thắng Long (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) cũng xảy ra một tình huống tương tự. Công ty Thắng Long có 4 thành viên, gồm: Nguyễn Thanh Xuân (góp 40% vốn điều lệ), Đặng Huỳnh Sang (30%) là giám đốc – đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, Trần Quang Thái (20%) và Trần Văn Tài góp 10%.

Ngày 26/01/2013, Hội đồng thành viên Công ty Thắng Long họp và công bố quyết định giải thể công ty. Ngày 5/02/2013, Hội đồng thành viên tiếp tục họp nhưng giám đốc Sang bỏ đi ra khỏi cuộc họp do không đồng ý đề xuất yêu cầu từ chức giám đốc. Thành viên còn lại đại diện cho 70% vốn điều lệ tiếp tục cuộc họp và thống nhất miễn nhiệm chức danh giám đốc đối với ông Sang.

Sau khi miễn nhiệm, Hội đồng thành viên đã tiến hành thủ tục bổ nhiệm giám đốc mới là bà Nguyễn Thanh Xuân. Đồng thời Hội đồng thành viên Công ty Thắng Long đả gửi thông báo đến Ngân hàng Sacombank - Phòng Giao dịch Bình Trị Ðông với nội dung: Yêu cầu phong tỏa tài khoản của Công ty Thắng Long và được đồng ý.

Ngày 21/02/2013, Phòng Giao dịch Bình Trị Ðông yêu cầu Công ty Thắng Long bổ sung giấy đăng ký kinh doanh mới trong thời hạn 7 ngày tính từ ngày 21/02/2013. Nhưng do ông Sang không đồng ý ký tên nên Công ty không thể thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì việc miễn nhiệm ông Sang phù hợp luật định.

Chính vì vậy, ngày 28/02/2013 bà Xuân, ông Thái và ông Tài – ba thành viên đại diện cho 70% vốn điều lệ đã cùng nhau cam kết chịu trách nhiệm cho việc yêu cầu phong tỏa tài khoản của Công ty Thắng Long theo yêu cầu của phía Ngân hàng.

Bất ngờ ngày 06/3/2013, Phòng Giao dịch Bình Trị Ðông tháo phong tỏa tài khoản Công ty Thắng Long. Với hành động này, các thành viên còn lại của Công ty Thắng Long khẳng định, việc tháo phong tỏa của Phòng Giao dịch như “giúp” ông Sang rút và sử dụng một khoản tiền lớn mà không thông qua các thành viên còn lại của Công ty Thắng Long.

Trả lời khiếu nại của phía Thắng Long, đại diện Sacombank – Phòng Giao dịch Bình Trị Ðông cho rằng, thông tin bãi nhiệm giám đốc Công ty Thắng Long không hợp với điều lệ công ty.

Mở phong tỏa là trái luật!

Có thể nói, chuyện phong toả tài khoản, đôi khi không biết “vô tình hay hữu ý” của ngân hàng, đã gây ra không ít rắc rối cho các vụ tranh chấp giữa các cá nhân trong doanh nghiệp, thậm chí giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.

Nói về tình trạng này, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Về nguyên tắc, khi có tranh chấp và được yêu cầu hoặc lệnh phong toả, bản thân ngân hàng phải tôn trọng yêu cầu này để tránh trường hợp các bên tẩu tán tài sản, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Đối chiếu với sự vụ xảy ra tại Công ty Thắng Long: Theo quy định tại Điều lệ của Công ty và Điều 51 Luật Doanh nghiệp thì một khi số lượng thành viên tại một doanh nghiệp đại diện cho 75% vốn điều lệ thì các thành viên này được quyền triệu tập cuộc họp.

Cụ thể, đối với trường hợp của Công ty Thắng Long là 100% vốn điều lệ. Sau khi cuộc họp diễn ra được một lúc, ông Sang mới bỏ đi khỏi cuộc họp. Điều 52 Luật doanh nghiệp quy định: Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì quyết định về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên.

Cụ thể, tại điểm c Điều này quy định: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp cũng quy định: Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây. Cụ thể, tại điểm a nêu: Trong trường hợp được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định...

Như vậy, công ty Thắng Long đã thực hiện đúng quy định của pháp luật doanh nghiệp và điều lệ Công ty. Việc Phòng Giao dịch Bình Trị Đông mở phong tỏa tài khoản với lý do thông tin bãi nhiệm giám đốc không hợp với Điều lệ của Công ty Thắng Long là trái với luật định.