Tan tành giấc mộng: “Tỷ phú” sà lan

Theo cand.com.vn

(Tài chính) Họ là những nông dân chất phác, ôm trong mình khát vọng làm giàu, thậm chí thành “tỷ phú”. Có điều, chỉ sau một thời gian ngắn “vào cuộc”, giờ họ đang đối mặt với nguy cơ trắng tay; vườn ruộng, đất đai tan tành theo mây khói… “Buôn có bạn, bán có phường” - bây giờ nhiều nông dân Trà Vinh mới thấm thía đúc kết đó…

Tan tành giấc mộng: “Tỷ phú” sà lan
Nhiều người mua sà lan không ngờ rằng số tiền họ vay lại cao hơn đến vài trăm triệu đồng so với giá mua bán sà lan như giao kèo. Nguồn: internet
Những ngày trung tuần tháng 9/2013, chúng tôi về xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) - địa phương có nhiều nông dân đang dở khóc, dở… mếu do tan tành giấc mơ trở thành “tỷ phú”.

Ông Trương Văn Đoàn, ở ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân kể ông “phất” lên từ chiếc sà lan mua năm 2007. Hai năm sau đó, ông vay hơn 7 tỷ đồng mua thêm 2 sà lan nữa. Thế nhưng đến năm 2012, do không có tiền đóng lãi và gốc cho ngân hàng, cả 3 chiếc sà lan của ông Đoàn đều đã bị kê biên, một chiếc đã bị cưỡng chế bán đấu giá, 2 chiếc còn lại hiện đang chờ cưỡng chế “cấn nợ” ngân hàng.

Ông Đoàn nhớ lại, nghẹn ngào: “Trước 2009, nhờ mối cát xuất khẩu, mỗi tháng chở từ Tân Châu - An Giang lên Tp. Hồ Chí Minh tôi kiếm hơn 50 triệu đồng dễ như trở bàn tay; nhưng nay chở cát san lấp chỉ được khoảng 15 triệu đồng, trừ chi phí thì lỗ vốn, chưa kể hao mòn phương tiện; đã vậy lãi suất ngân hàng hơn 50 triệu đồng/tháng. Nghĩ tới số nợ hiện trên 15 tỷ đồng tôi hết muốn mần ăn gì nũa”.

Bà Đinh Thị Nhen ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân cho biết, do quen biết trước với vợ chồng bà, tháng 5/2009, ông Sáu Đâu ở cùng quê, nhiều lần rủ rê theo nghề sà lan và hứa dẫn dắt đường đi nước bước, mối lái làm ăn để gia đình bà được đổi đời. Ông Sáu Đâu hứa làm tất cả thủ tục cho bà Nhen vay vốn ngân hàng để có được sà lan, cam đoan nếu làm ăn không được thì sẽ mua lại sà lan không sợ mất giá. Cuối cùng, bà Nhen đồng ý mua chiếc sà lan cũ trọng tải trên 400 tấn của ông Đâu với giá 1,5 tỷ đồng.

“Ông Đâu kêu tôi đem hết bằng khoáng đất của gia đình tôi đưa vô ngân hàng. Tôi thấy ổng và ông giám đốc ngân hàng ngồi bàn tính gì đó, rồi ngân hàng kêu vợ chồng tôi ký tên vô các giấy tờ được làm sẵn. Ngân hàng và ổng không nói rõ số tiền vay là bao nhiêu. Mình cứ nghĩ giá mua sà lan 1,5 tỷ đồng thì vay đủ mua thôi. Tin tưởng ông Đâu và ngân hàng nên tôi ký tên theo hướng dẫn, với lại không rành chữ nghĩa nên đâu xem kỹ giấy tờ. Ký tên xong ngân hàng kêu về, sau đó tôi đi nhận sà lan. Còn tiền vay thì ngân hàng không giao cho vợ chồng tôi mà giao nhận ra sao với ông Đâu tôi không rõ. Vợ chồng tôi chẳng ngờ hợp đồng vay ghi số tiền đến 3,450 tỷ đồng. Khi biết bị gạt, tụi tôi gặp ông Đâu, ổng nói ký tên rồi giờ muốn lật lọng hả. Mấy người bà con của ông Đâu ở xóm nói thôi chịu thiệt đi, làm nghề sà lan mà đụng chạm với ổng thì bít đường làm ăn. Chồng tôi thua buồn kêu trời không. Ổng rầu ổng nhậu hoài nên bệnh chết rồi” – bà Nhen mếu máu.

Lạ lẫm trên thị trường, ít mối vận chuyển, nặng chi phí nhiên liệu, thuê mướn thuyền viên, bà Nhen thua lỗ dần dần. Sau vài tháng vay tiền, bà Nhen hết tiền đóng lãi và không có tiền trả nợ gốc với mức 300 triệu đồng/năm. Ngân hàng đã yêu cầu bà Nhen phải mượn bằng khoán vay mới 500 triệu đồng để trả nợ khoản 500 triệu đồng gốc và lãi trong món nợ cũ. Hiện bà Nhen còn nợ gần 5 tỷ đồng và đã bị khởi kiện ra tòa, bị buộc trả nợ mỗi tháng 40 triệu đồng, trong khi khả năng trả của bà chỉ 10 triệu đồng/tháng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng thời gian từ 2007 đến cuối năm 2010, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Cầu Kè (Agribank Cầu Kè) đã cho 63 khách hàng trên địa bàn vay số tiền vốn hơn 260 tỷ đồng với mục đích đóng mới và mua sà lan cũ để kinh doanh vận tải cát sông. Thời gian đầu, do một số đối tác nước ngoài có nhu cầu mua cát với số lượng lớn và nguồn cát từ các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia còn dồi dào nên việc vận chuyển của một số chủ sà lan ở Cầu Kè và khu vực lân cận thu được lợi nhuận cao, trả được vốn vay.

Từ đó, một số chủ sà lan vay thêm vốn, mua thêm sà lan. Thế nhưng tình hình làm ăn từ năm 2009 trở về sau không còn thuận lợi như trước nữa. Nhiều chủ sà lan mất mối làm ăn nên liều đi các tỉnh miền Tây chở cát san lấp mặt bằng, mỗi tháng được vài chuyến và chỉ kiếm đủ chi phí hoặc thâm vốn, đình trệ hoạt động. Vì vậy, hầu hết người vay tiền mua sà lan đều rơi vào cảnh khó khăn, không trả được lãi và gốc cho ngân hàng đúng phân kỳ.

Trong số 63 người vay tiền mua sà lan tại Agribank Cầu Kè, đến nay chỉ có 4 người trả được nợ, một số người chưa đến ngày kết thúc hợp đồng vay, còn lại hơn 50 trường hợp rơi vào nợ xấu, với khoản nợ gấp rưỡi, gấp đôi khoản nợ vay ban đầu của mỗi trường hợp.

Theo tổng hợp của Agribank Cầu Kè, hiện tại có 51 hộ ngưng trả nợ với tiền gốc hơn 190 tỷ đồng và lãi trên 100 tỷ đồng; mỗi hộ nợ trung bình gốc và lãi khoảng 6 tỷ đồng. An Phú Tân là xã có “con nợ” nhiều nhất với với 33 hộ. Nhiều người đã bị ngân hàng kiện ra tòa và phải cam kết trả nợ hàng tháng. Một số người khác đã bị kê biên tài sản bán đấu giá hoặc chờ ngày thi hành quyết định cưỡng chế sà lan để thu hồi nợ. Trong khi sà lan thì ngày càng cũ nát, thậm chí có chiếc sắp thành sắt vụn.

Đây cũng là bài học cay đắng cho tất cả những ai theo đuổi những giấc mộng trở thành “tỷ phú” khi hành trang mang theo chỉ duy nhất suy nghĩ giản đơn: Đường làm giàu là con đường phẳng, chẳng chông gai.