Tăng cường công tác quản lý nhà nước về con dấu

Theo chinhphu.vn

Bộ Công an đang dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng con dấu nhằm bảo đảm phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của Nghị định trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nguồn: internet
Công tác đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nguồn: internet

Bộ Công an cho biết, công tác quản lý nhà nước về con dấu có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần duy trì, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau 15 năm thực hiện Nghị định số 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu, công tác quản lý nhà nước về con dấu đã đạt được những kết quả quan trọng. Công an các đơn vị, địa phương đã làm thủ tục đăng ký gần 150 vạn con dấu cho các cơ quan, tổ chức.

Thông qua việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đã phục vụ kịp thời các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời, thông qua công tác này, cơ quan đăng ký mẫu con dấu cung cấp hàng nghìn mẫu con dấu để phục vụ cho công tác điều tra xử lý các vụ làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức; xử lý kịp thời các hành vi mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan tới quản lý, sử dụng con dấu; qua đó, góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Cụ thể, một số quy định của Nghị định số 58/2001/NĐ-CP như đối tượng sử dụng con dấu, cơ quan đăng ký mẫu con dấu, thủ tục, hồ sơ đăng ký mẫu con dấu, thời hạn giải quyết hồ sơ, các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và sử dụng con dấu còn chưa quy định đầy đủ, cụ thể; việc cấp giấy phép khắc dấu, đăng ký mẫu con dấu còn có sự bất cập

Theo quy định tại Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư có quyền quyết định về hình thức, số lượng, nội dung, việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp mình; doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Cơ quan Công an không thực hiện việc đăng ký, quản lý con dấu đối với các loại hình doanh nghiệp này. Vì vậy, các nội dung quy định về quản lý và sử dụng con dấu của các loại hình doanh nghiệp nói trên đang được quy định trong Nghị định số 58/2001/NĐ-CP cần phải được bãi bỏ khi xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế.

Mặt khác, theo quy định của Nghị định số 96/2015/NĐ-CP thì đối với các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo các luật: Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác xã vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 58/2001/NĐ-CP. Vì vậy, cần phải tiếp tục quy định việc quản lý và sử dụng con dấu của các doanh nghiệp này trong dự thảo Nghị định...

Vì vậy, Bộ Công an đã đề xuất dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng con dấu gồm 4 chương, 25 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ đã đề xuất những quy định cụ thể về con dấu có hình Quốc huy, con dấu có hình biểu tượng và con dấu không có hình biểu tượng; con dấu cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; đăng ký mẫu con dấu, cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu và thu hồi con dấu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng con dấu…

Nguyên tắc quản lý và sử dụng con dấu

Theo dự thảo, phải đảm bảo công khai, minh bạch trong đăng ký, quản lý con dấu; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục về con dấu.

Cơ quan, tổ chức chỉ được sử dụng con dấu khi đã có quy định về việc được phép sử dụng con dấu trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền và phải đăng ký mẫu con dấu, thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng một con dấu theo mẫu quy định tại văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp cần có thêm con dấu thứ hai có cùng nội dung như dấu ướt đang sử dụng phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan, tổ chức được phép sử dụng dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi để cấp văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ có dán ảnh theo quy định của pháp luật. Đóng dấu vào các văn bản, giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật. Mực dấu thống nhất dùng mực màu đỏ.

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.