Thả nổi kinh doanh qua mạng

Theo Thanhnien.vn

(Tài chính) Kinh doanh trực tuyến hiện nay có nhiều cái không: không thuế, không nguồn gốc, xuất xứ, không giấy phép chất lượng sản phẩm...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Không hóa đơn

Vào trang bán hàng qua mạng của Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam, www.b4u... đặt mua một đôi giày thể thao của hãng N với giá 1,1 triệu đồng được nhân viên hỗ trợ của trang này cho biết, do cửa hàng ở Hà Nội nên sẽ chuyển sản phẩm qua đường bưu điện vào TP. Hồ Chí Minh và người mua sẽ chịu tiền cước. Khi được hỏi nếu mua nhiều sản phẩm thì có thể lấy hóa đơn giá trị gia tăng được không, người này trả lời, cửa hàng không xuất hóa đơn cho khách.

Tương tự, vào một trang bán hàng trực tuyến www.thegioimypham... sẽ thấy danh mục hàng trăm loại mỹ phẩm hàng hiệu khác nhau xuất xứ từ một nước châu Á được bán với giá rất rẻ. Liên hệ với một số điện thoại của cửa hàng này, cô nhân viên cho biết, hàng chỉ bán trên mạng và cửa hàng đặt ở nhà riêng tại đường Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội. Cửa hàng này cũng không xuất hóa đơn cho khách hàng.

Trao đổi với nhân viên bán hàng của một cửa hàng xưng là website nước hoa lớn nhất VN có tên L, chúng tôi được biết, trước đây cửa hàng có công ty nhưng hiện nay đổi thành hộ kinh doanh cá thể nên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Anh T., quản lý một hệ thống cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm, nước hoa khá nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, khẳng định bán hàng trên mạng chỉ “3 phần thật, 7 phần giả”. Các công ty bán hàng trên mạng thường trộn lẫn hàng giả mua từ Trung Quốc, Thái Lan về với ít ỏi hàng thật để bán ra thị trường vì không có cơ quan quản lý chất lượng nào giám sát.

Giám đốc tiếp thị một nhãn hàng mỹ phẩm của Pháp ở VN cho biết, có cửa hàng mỹ phẩm “ảo” bán được doanh số cả tỷ đồng/tháng, tương đương với cửa hàng ở mặt tiền đường mà lại không tốn chi phí thuê mặt bằng, thuế... Theo khảo sát của công ty, từ khoảng 20 cửa hàng “ảo” trong năm 2010 đến nay đã có khoảng 700 cái hoạt động trong lĩnh vực này.

Chưa quản lý được

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thừa nhận đến nay chưa quản lý được nguồn thuế bán hàng qua mạng. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng đã giao cho một bộ phận nghiên cứu chuyên đề khảo sát thu thuế kinh doanh qua mạng nhưng chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia về thuế, cho rằng từ trước đến nay cơ quan thuế quản lý thuế bằng hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán; các cơ sở kinh doanh cá thể thì dựa vào tình hình doanh thu mà ấn định thuế, nên khi kinh doanh trực tuyến nở rộ, cơ quan thuế “chới với”. Do không có cách theo dõi nguồn thu như thế nào nên không biết cách quản lý nguồn thuế của kinh doanh qua mạng. Hiện nay, cơ quan thuế cũng không có bộ phận chuyên biệt nào theo dõi mảng thuế kinh doanh qua mạng. Quản lý thuế lâu nay được chia theo địa bàn, theo lĩnh vực nên khi xã hội phát sinh loại hình kinh doanh mới thì chưa có cách quản lý.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng thực ra, kiểm soát thuế kinh doanh qua mạng không có gì khó khăn, vấn đề là cơ quan thuế không mặn mà với chuyện này. Theo ông Xoa, cơ quan thuế cần thành lập một đội nhóm chuyên theo dõi kinh doanh qua mạng, nếu phát hiện trốn thuế, dựa vào quy định mới, có thể đưa lên cơ quan thông tin đại chúng để đánh động đến sự tự giác của các trang bán hàng khác.