Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Năm 2013, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt. Các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và đạt được kết quả tốt hơn, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng hơn so với năm trước, qua đó góp phần từng bước kiềm chế tham nhũng ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức và hiệu quả thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày trước Quốc hội sáng 22/10 chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.

Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong khi đó việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp... Hiện nay, không ít quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng. Việc quy định chi tiết một số nội dung quan trọng trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012 chưa kịp thời, chưa phù hợp.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN vẫn chưa đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác chống tham nhũng vẫn chưa có sự chuyển biến căn bản; việc cán bộ, công chức, viên chức và người dân tố cáo hành vi tham nhũng là rất ít… Điều đáng ngạc nhiên là qua khảo sát, giám sát cho thấy, có những địa phương, qua nhiều năm cũng chỉ nhận được một đến hai đơn tố cáo tham nhũng. Thậm chí, thống kê cũng cho thấy từ tháng 10/2010 đến hết tháng 4/2013, Thanh tra các tỉnh như Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình… chỉ nhận được một vài đơn tố cáo liên quan đến tham nhũng. Ở một vài thành phố có số lượng đơn tố cáo về tham nhũng lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… có nhiều đơn tố cáo không ghi danh.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, trong khi hiện nay chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng thì việc tổ chức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng vẫn còn hình thức, có trường hợp dư luận chưa đồng tình. Chẳng hạn, vụ tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội thưởng 320.000 đồng/người; hoặc người tố cáo tham nhũng từ chối khen thưởng, vì cho rằng vụ việc tham nhũng chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, vẫn còn biểu hiện bao che (vụ tố cáo tham nhũng tại Trung tâm y tế huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)… Với thực trạng trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định, hiệu quả của việc đầu tư công sức, kinh phí, ngân sách của Nhà nước cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong PCTN cho đến nay còn hạn chế.

Hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Điều tra còn thấp. Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định của pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh về tham nhũng còn chiếm tỷ lệ cao… phần nào cho thấy chất lượng hoạt động chưa cao của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng với Thanh tra, Kiểm toán và việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau vẫn còn hạn chế. Qua giám sát, khảo sát ở một số địa phương, một số vụ việc được cơ quan Thanh tra chuyển sang Cơ quan điều tra nhưng bị trả lại với lý do chứng cứ chưa đủ để khởi tố vụ án hình sự. Ngoài ra, qua thanh tra, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước có những vụ việc vi phạm có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại để xử lý kỷ luật, hành chính và chỉ đến khi có đơn tố cáo tiếp theo thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mới nắm bắt được những thông tin này. Vụ tham nhũng trong đền bù, giải phòng mặt bằng ở khu công nghiệp Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; vụ ở Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch tỉnh Ninh Bình; Vụ việc ở phòng lao động thương binh và xã hội huyện Duyên Hải, vụ tham nhũng tại UBND xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh… được coi là những minh chứng cho nhận định này.

Theo nhận định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhìn chung còn hạn chế. Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả chưa cao như cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế. Ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp…

Thực tế cũng cho thấy hiện chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm. Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện đồng bộ hoặc chưa phát huy tác dụng, vì cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường, vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được đã gây nhiều bức xức trong dư luận và phần nào cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này. Việc xử xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn lúng túng, có biểu hiện không nghiêm minh.

Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra, hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được là rất lớn, nhưng việc phát hiện ra hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản; số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện. Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó nổi lên một số vụ như: Vụ Nguyễn Thế Ngọc - Công ty vận tải dầu khí Việt Nam phạm tội tham ô tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 1800 tỷ đồng; vụ sai phạm tại Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn gây thiệt hại cho nhà nước ước tính trên 4.000 tỷ đồng...