Thấy gì qua vụ kiện chống bán phá giá của doanh nghiệp thép Việt Nam?

Theo daibieunhandan.vn

Tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương đã nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của Công ty TNHH POSCO VST và Công ty cổ phần Hòa Bình Inox (là hai doanh nghiệp chiếm tới 80% thị phần thép inox tại Việt Nam) yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không rỉ cán nguội được nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công cụ thương mại quốc tế để kiện doanh nghiệp nước ngoài.

Thấy gì qua vụ kiện chống bán phá giá của doanh nghiệp thép Việt Nam?
Ảnh mih họa. Nguồn: Internet
Theo thông tin từ hai doanh nghiệp khởi kiện thì giá thép không rỉ cán nguội, còn gọi là thép inox, nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia và Malaysia thấp hơn giá bán trên thị trường Việt Nam khoảng 25%, do họ được Chính phủ các nước hỗ trợ rất nhiều. Vì vậy hai doanh nghiệp khởi kiện đề nghị áp thuế chống bán giá trung bình là 20% cho các đối thủ ngoại. Bộ Công thương cho biết, việc điều tra sẽ có thể được tiến hành sau 60 ngày kể từ ngày nhận đơn, tức là, quyết định có tiến hành điều tra hay không sẽ chính thức được đưa ra vào đầu tháng 7 tới.

Trước hết, việc hai doanh nghiệp sản xuất thép không rỉ cán nguội của Việt Nam lần đầu tiên thực hiện kiện doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá có thể coi là tín hiệu đáng mừng, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn trên thương trường quốc tế. Từ trước tới nay chúng ta chỉ thấy doanh nghiệp Việt Nam bị kiện bán phá giá ở rất nhiều thị trường, và theo đuổi các vụ kiện khá vất vả, nhưng giờ đây đã có doanh nghiệp Việt Nam chủ động đi kiện và theo đuổi vụ kiện đến cùng. Theo số liệu của Bộ Công thương thì chỉ rêng năm 2012, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải chịu đến 11 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp lẫn tự vệ.

Tuy nhiên, sau nỗ lực đầu tiên đó, đang xuất hiện những vấn đề đáng bàn. Cụ thể là sự xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp sản xuất thép inox và các doanh nghiệp sử dụng loại thép này làm nguyên liệu đầu vào sản xuất. Theo phản ánh của các doanh nghiệp sử dụng thép inox làm nguyên liệu đầu vào thì thời gian vừa qua, thuế nhập khẩu thép cán nguội không rỉ đã liên tục tăng từ 0% đến 5% và hiện tại đang là 10%. Do vậy nếu như Bộ Công thương chấp thuận tiến hành điều tra và doanh nghiệp Việt Nam thắng kiện thì giá thép inox bán ở thị trường trong nước sẽ bị đội lên tương ứng với mức thuế suất bị áp và khiến hàng chục doanh nghiệp khác khó khăn vì giá nguyên liệu quá cao. Bởi vậy, hơn 20 doanh nghiệp sử dụng inox làm nguyên liệu đầu vào cũng đã có đơn gửi lên Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, cho rằng đây có thể là một cách thức để giữ độc quyền doanh nghiệp của Posco VST và Hòa Bình Inox. Cũng theo đơn này thì số liệu được đưa ra là số liệu nhập khẩu năm 2012, khi mà Hòa Bình Inox còn chưa lắp ráp xong dây chuyền sản xuất inox cán nguội, còn Posco VST cũng chỉ mới bắt đầu cán thử vào cuối năm. Mặt khác, cũng theo các doanh nghiệp thì hai nhà máy này không thể cung cấp tất cả các chủng loại inox cán nguội, nên đòi hỏi đánh thuế tất cả các sản phẩm inox cán nguội là chưa hợp lý. Có doanh nghiệp còn cho rằng trừ hai “ông lớn” này thì các doanh nghiệp sản xuất thép không rỉ khác vẫn hoạt động bình thường trong bối cảnh bị thép ngoại cạnh tranh.

Chưa nói tới ai đúng ai sai trong vụ việc này vì tất cả vẫn còn chờ phán quyết của Bộ Công thương, nhưng sau thực tế đáng mừng là doanh nghiệp Việt Nam đã biết sử dụng công cụ thương mại quốc tế để giao dịch, thì lại là nỗi buồn khi thấy tình trạng gà nhà đá nhau. Câu chuyện này cho thấy dường như các doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng với cạnh tranh cũng như chưa sẵn sàng với việc chấp nhận quy luật trên sân chơi lớn thương mại thế giới. Nếu những số liệu về chênh lệch giá mà hai doanh nghiệp sản xuất thép không rỉ cung cấp là chính xác và phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế thì những doanh nghiệp sử dụng thép không rỉ cán nguội làm đầu vào sản xuất cần chấp nhận việc thép inox nhập khẩu có thể bị áp thuế chống bán phá giá. Khi ấy doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn mua thép nhập khẩu, thép của hai “ông lớn” hoặc thép của những doanh nghiệp khác trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, giá cả tương xứng với chất lượng. Trong trường hợp những thông tin mà Posco VST và Hòa Bình Inox cung cấp không chính xác thì hai doanh nghiệp này cần tìm giải pháp cạnh tranh bằng chất lượng và giá cả, chứ không phải bằng các vụ kiện.

Vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên này cũng là một thử thách lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm giải pháp hài hòa lợi ích các bên. Cả doanh nghiệp sản xuất thép inox và doanh nghiệp sử dụng inox làm nguyên liệu đầu vào đều phải làm quen với sự cạnh tranh từ bên ngoài. Điều quan trọng bây giờ là tìm được tiếng nói chung để doanh nghiệp sử dụng inox làm nguyên liệu đầu vào đặt hàng doanh nghiệp sản xuất inox đưa ra thị trường sản phẩm có giá cạnh tranh hơn, chất lượng tốt hơn, tránh cách hành xử “gà nhà đá nhau”.