Thị trường xe đạp điện: Mập mờ móc túi người mua

Theo vietq.vn

Gần đây, nhu cầu sử dụng xe đạp điện tăng cao nhiều nhãn hiệu xe đạp điện được tung ra thị trường, nhưng xuất xứ và chất lượng thì… đang bị thả nổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhập nhèm xuất xứ

Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư 41 đã nêu rõ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xe đạp điện. Theo Quy chuẩn này, xe đạp điện là xe đạp hai bánh, có công suất động cơ lớn nhất không quá 250W, vận tốc lớn nhất không quá 25 km/h và có khối lượng không lớn hơn 40kg.

Các trường hợp còn lại không đúng với tiêu chí trên thì không được coi là xe đạp điện. Đồng thời, để được phân phối trên thị trường, xe đạp điện phải công khai nguồn gốc xuất xứ, được kiểm định chất lượng và dán tem hợp quy.

Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, phóng viên đi tìm hiểu thị trường xe đạp điện tại Hà Nội thì phần lớn các xe hiện đang có mặt trên thị trường vẫn còn “mập mờ” về nguồn gốc và chủ yếu các xe có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan…

Trên thị trường hiện nay, chủ yếu có 3 dòng xe được bày bán. Thứ nhất là loại xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước, loại này ít cửa hàng bán. Loại thứ hai là xe sản xuất trong nước nhưng thực chất là nhập linh kiện từ Trung Quốc rồi về lắp ráp và cung cấp ra thị trường, Loại thứ ba là loại xe “trôi nổi” nhập vào từ nhiều nguồn khác nhau nhưng được dán tem mác của các hãng.

Theo quy định, dù xe nhập khẩu nguyên chiếc hay xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì đều phải dán tem hợp quy do Cục đăng kiểm Việt Nam kiểm định cấp và được dán cho từng xe tại vị trí trên khung bên phải nhưng thực tế qua các cửa hàng trên thị trường hầu như không thấy chiếc xe nào có tem hợp quy dán theo quy định.

Một chủ cửa hàng kinh doanh xe điện trên phố Bà Triệu cho biết: “Mua được xe Nhật xịn như Honda, Yamaha chỉ có đặt hàng từ bên kia gửi về, chứ mua xe Nhật ở đây thì chỉ có “ăn” hàng Thái Bình, Nam Định”. Khi được hỏi về chất lượng xe xuất xứ từ Trung Quốc chủ cửa hàng này nói, mua được xe Trung Quốc xịn đã tốt, bây giờ, các cửa hàng đều nhập phụ tùng xe từ nhiều nơi rồi về lắp ráp.

Cũng theo chủ cửa hàng này, thực trạng trên diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các cơ sở kinh doanh, cho dù khách hàng có am hiểu về xe cũng không căn cứ vào đâu để phân biệt được đâu là xe nhập khẩu, xe Trung Quốc hay xe lắp ráp trong nước. “Tất cả là do người bán quảng cáo nói đó là xe loại gì, xuất xứ như thế nào thì người mua tin tưởng biết vậy”, chủ cơ sở kinh doanh cho hay.

Đánh lận người tiêu dùng

Không chỉ trà trộn các xe “xịn” lẫn các xe kém chất lượng, một số cơ sở kinh doanh còn đánh tráo kiểu loại pin, ắc quy để ăn chênh lệch. Giá trị của một chiếc xe chênh nhau lên tới tiền triệu, tùy theo kiểu loại pin, ắc quy. Thậm chí, nhiều nơi còn quảng cáo là vành và lan hoa xe làm bằng thép không gỉ, theo tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật hay Châu Âu để tăng độ giá trị của xe.

Tuổi thọ của pin, ắc quy và các linh kiện của xe khó có thể kiểm chứng được khi xe còn trong cửa hàng mà phải sử dụng một thời gian. Khi bán hàng, các chủ cửa hàng thường quảng cáo pin, ắc quy có tuổi thọ từ 3 đến 5 năm, nhưng trên thực tế, đa số chỉ dùng tốt trong khoảng hơn 1 năm đã có hiện tượng hao pin hoặc hỏng ắc quy.

 Chị Tô Thị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc nói: “Mới mua xe được gần 1 năm mà xe nhanh hết pin, khi mang đến cửa hàng để bảo hành thì nhân viên ở đây nói là do đi nhiều, sạc không đúng cách và bị nước mưa ngấm vào nên không thể bảo hành được. Đành mua một ắc quy mới mất hơn 1 triệu”.

Trước sự bát nháo của thị trường xe đạp điện, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục đăng kiểm Việt Nam được biết: “Số lượng xe nhập khẩu lắp ráp chui không qua đăng kiểm rất lớn. Số lượng xe có dán tem đạt chuẩn chỉ khoảng 10%, còn lại đa số là xe được lắp ráp trôi nổi trên thị trường”, ông Phương thừa nhận.

Từ năm 2014 đến năm 2015 thì tổng số chỉ có hơn 200 nghìn xe điện được kiểm tra thông qua cơ quan đăng kiểm nhưng thực tế số lượng lớn phương tiện đem ra bán lưu thông là không được kiểm soát về chất lượng, không được các cơ quan đăng kiểm kiểm tra chất lượng trước khi bán cho người tiêu dùng, ông Phương nói thêm.

Cũng theo Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới, những sản phẩm xe đạp điện không rõ nguồn gốc và chứng nhận chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông. Khi sự việc xảy ra thiệt thòi lớn nhất vẫn là người tiêu dùng bởi khi đó không biết kêu ai, không biết ai là người chịu trách nhiệm.

Mặt khác, ông Phương cho rằng, nguyên nhân xe điện dù không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn có đất sống, thậm chí sống tốt bởi lẽ người tiêu dùng khi mua xe không quan tâm đến các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và đương nhiên giấy tờ kiểm định chất lượng các sản phẩm này cũng không được người mua để ý tới.

Bên cạnh những động thái quyết liệt trong quản lý xe điện ở cả khâu “đầu vào” lẫn thị trường mua bán vẫn rất cần ý thức của người tiêu dùng khi lựa chọn, mua sắm phương tiện. Chỉ có như vậy, thị trường xe điện mới được quản lý chặt chẽ hiệu quả hơn.