Thỏa thuận bồi thường, coi chừng vô hiệu

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử bị cáo Trương Hoàng Anh (sinh năm 1981, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Thỏa thuận bồi thường, coi chừng vô hiệu
Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Theo cơ quan điều tra, tháng 4/2012, anh Trần Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải thương mại và du lịch Minh Hương (Minh Hương) tố cáo Hoàng Anh thuê 5 xe ô tô của Công ty, nhưng đến hạn không trả.

Qua điều tra xác định, giữa năm 2010, Hoàng Anh nhặt được một sổ hộ khẩu của bà Nguyễn Thị Kim Xuân, trong sổ có nhân khẩu Vũ Văn Tiến là con trai bà Xuân. Hoàng Anh đã giả danh Vũ Văn Tiến để thuê xe ô tô tự lái của Công ty Minh Hương, sau đó cầm cố và cho thuê lại nhằm kiếm lời. Đơn cử, Hoàng Anh thuê xe Lacetti trong 10 ngày, giá thuê 600.000 đồng/ngày, đặt cọc 40 triệu đồng, nhưng sau đó đem cầm cố xe này với giá 350 triệu đồng.

Trong số 5 xe đã thuê, Hoàng Anh sử dụng sai mục đích và đem cầm cố 2 xe; 3 xe còn lại, cơ quan điều tra cho rằng, chưa đủ cơ sở kết luận Hoàng Anh lừa đảo chiếm đoạt, nên tách vụ án, tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo cáo trạng, 2 chiếc xe bị Hoàng Anh cầm cố được định giá 890 triệu đồng, do đó Hoàng Anh bị truy tố theo điểm a, khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vẫn theo cáo trạng, Công ty Minh Hương và gia đình Hoàng Anh đã có văn bản tự thỏa thuận bồi thường. Thế nhưng, tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn dân sự bất ngờ rút lại thỏa thuận về bồi thường và yêu cầu bồi thường hơn 3 tỷ đồng.

Tại phiên sơ thẩm, lời khai của đại diện nguyên đơn dân sự về thỏa thuận bồi thường cho thấy, có nhiều rủi ro pháp lý, người bị hại rất dễ rơi vào tình trạng "xôi hỏng, bỏng không". Theo đó, hai bên thỏa thuận giá trị bồi thường là 800 triệu đồng, gia đình bị cáo đã trả 250 triệu đồng bằng tiền mặt và gán một căn hộ chung cư cho nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng căn hộ chung cư thì người viết giấy chuyển nhượng (chị gái Hoàng Anh) không phải là chủ nhân căn hộ, cũng không có giấy ủy quyền hợp pháp.

Ngoài ra, hợp đồng chỉ là giấy viết tay và chuyển nhượng quyền được mua nhà, chứ không phải chuyển nhượng căn hộ. Gia đình Hoàng Anh giao cho phía nguyên đơn dân sự một biên lai nộp tiền, nội dung thể hiện đã góp vốn 250 triệu đồng để mua căn hộ. Thế nhưng, người đứng tên nộp tiền không phải là Hoàng Anh, cũng không phải là người viết giấy chuyển nhượng, mà là một người tên Đông. Chị gái Hoàng Anh cũng không có giấy ủy quyền của ông Đông.

Theo luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ, người bảo vệ cho nguyên đơn dân sự, trong các vụ án kinh tế, hy vọng lớn nhất của người bị hại là thu hồi được tài sản. Tuy nhiên, cần cẩn trọng với rủi ro pháp lý khi nhận tài sản bồi thường. Chẳng hạn, với việc chuyển nhượng tài sản là bất động sản, buộc phải tuân thủ theo thủ tục chặt chẽ mà pháp luật quy định. Người chuyển nhượng phải là người có tài sản, (đứng tên trong sổ đỏ), hoặc là được ủy quyền hợp pháp. Hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng chứng thực, chứ không thể viết tay.

Luật sư Quyền cảnh báo, riêng đối với chuyển nhượng bất động sản thì hợp đồng ủy quyền phải được công chứng, nếu hợp đồng không được công chứng thì đó là ủy quyền vô hiệu, dẫn tới hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu theo. Nếu vụ án đã được giải quyết, bản án thừa nhận bị cáo đã hoàn thành trách nhiệm bồi thường dân sự, nay hợp đồng chuyển nhượng bị coi là vô hiệu thì phía bị hại sẽ mất tài sản.

Trở lại với vụ án, Công ty Minh Hương đã phát hiện rủi ro pháp lý trong việc tự thỏa thuận bồi thường nêu trên và tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty không chấp nhận việc bồi thường bằng quyền được mua căn hộ. Ngoài ra, Hoàng Anh lừa lấy xe đi cầm cố không trả lại trong 3 năm đã gây ra một số khó khăn trong hoạt động của Công ty như: xe không thể đưa vào kinh doanh, không thu được tiền thuê xe, trong khi nợ ngân hàng đến hạn phải trả.

Nguyên đơn dân sự đòi bồi thường thiệt hại hơn 3 tỷ đồng gồm khoản thiệt hại kinh doanh hàng tháng, tức là tiền thuê 5 xe ô tô trong 36 tháng theo mức giá trong hợp đồng; tiền phạt cọc thuê xe theo hợp đồng (hết thời hạn thuê xe 1 tháng mà không trả xe thì phạt cọc 800.000 đồng/tháng); tiền chuộc xe khi tìm thấy xe bị cầm cố.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường của nguyên đơn dân sự và tuyên phạt Trương Hoàng Anh 8 năm tù giam.

Công ty Minh Hương cho biết, sẽ đệ đơn kháng án.