Thừa nhận chuyển giá

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Chuyển giá là hành vi vi phạm Luật Thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp. Đây là sai phạm cố ý, chủ yếu xảy ra với loại hình doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Qua nhiều kênh thông tin, trong đó có phần đóng góp của báo chí, cơ quan chuyên trách đã "bắt tận tay, day tận trán” một số doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá. Mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cuộc khảo sát điều tra thực tế, bằng nhiều phương pháp thích hợp, qua đó làm rõ vấn chuyển giá với sự thừa nhận của chính doanh nghiệp FDI.

Thừa nhận chuyển giá
Chuyển giá là hành vi vi phạm Luật Thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp. Nguồn: internet
Cuộc điều tra khảo sát này được thực hiện tại 13 tỉnh và thành phố với hơn 1600 doanh nghiệp FDI (mang tính đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp FDI) đến từ 49 quốc gia của vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam. Quy mô, cách thức điều tra khảo sát khá bài bản, có tính chuyên nghiệp cao. Kết quả từ cuộc điều tra được coi là thắng lợi lớn bởi tìm ra những "đáp số” rất có giá trị, lần đầu tiên được xác định bằng các chỉ số cụ thể.

Đối tượng được điều tra khảo sát là doanh nghiệp FDI và chính họ (người trong cuộc) đã không né tránh vấn đề chuyển giá. Cuộc khảo sát cho thấy, có hơn 65% doanh nghiệp FDI thuộc nhóm tạo lợi nhuận cao (trên 20%) thừa nhận việc thực hiện chuyển giá. Ở đây có chuyện vừa không bất ngờ nhưng lại bất ngờ. Không bất ngờ là hệ số doanh nghiệp FDI chuyển giá ở mức cao như dư luận đã từng đề cập, bất ngờ là ở việc chính doanh nghiệp FDI tự thừa nhận chuyển giá.

Tương tự như phần trên, nhóm doanh nghiệp FDI tạo mức lợi nhuận trên 10% có hơn 44% doanh nghiệp thừa nhận việc chuyển giá. Nhóm tạo ra lợi nhuận trên 5% có hơn 12% doanh nghiệp FDI thừa nhận chuyển giá. Ngoại trừ những doanh nghiệp FDI thực sự thua lỗ không sử dụng kỹ thuật chuyển giá, còn lại dù lại cao hay thấp đều sử dụng thủ thuật này nhằm mục đích nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam cũng như công ty mẹ có trụ sở ở nước ngoài). Các chỉ số cụ thể đưa ra từ cuộc điều tra khảo sát nói trên, tự nó trở thành "bức tranh toàn cảnh” về vấn đề chuyển giá. Đọc các chỉ số ấy, người ta nhận ra từng loại "gam màu” chuyển giá đối với từng nhóm doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển giá đã trở nên phổ biến, vấn đề khác nhau ở mức độ "đậm, nhạt” của từng nhóm, từng lĩnh vực. Tài liệu từ cuộc điều tra khảo sát làm cho nhiều người sửng sốt khi được biết, có gần 90% doanh ngiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm "can tội” chuyển giá. Chỉ số này với doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất dệt may chiếm gần 70%. Tuy có thấp hơn nhưng doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô thực hiện chuyển giá chiếm hơn 50%. Những ngày sản xuất có công nghệ độc quyền thuộc về doanh nghiệp FDI càng dễ phát sinh hành vi chuyển giá.

Như vậy, vấn đề chuyển giá không còn là đồn đoán mà đã có "chân dung” cụ thể, gắn liền những chỉ số vừa tổng quát vừa chi tiết. Doanh nghiệp (kể cả trong nước cũng như nước ngoài) tìm cách lách luật, thậm chí một bộ phận cố tình vi phạm pháp luật chỉ vì chạy theo lợi nhuận. Nếu không có biện pháp quyết liệt và triệt để, loại sai phạm cố ý này sẽ còn kéo dài.