Thực thi pháp luật cạnh tranh: Cần cơ chế xử lý nhanh

Theo daibieunhandan.vn

Trải qua thời gian dài thực thi các quy định của pháp luật cạnh tranh, nhiều quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, châu Âu… đã thiết kế ra những công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh. Và cơ chế xử lý nhanh (fast-track) được áp dụng nhằm đơn giản hóa và đẩy nhanh việc xử lý các vụ việc cạnh tranh, giúp cơ quan cạnh tranh có thể dành thời gian, nguồn lực để giải quyết các vụ việc khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chưa có quy định lựa chọn điều tra rút gọn

Thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh cho thấy, các vụ việc cạnh tranh, đặc biệt là các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường có tính chất hết sức phức tạp.

Đây không phải là một hành vi của một tổ chức, cá nhân nào đó trong một thời điểm, dưới một hình thức nhất định, mà có sự tham gia của nhiều bên, có thể diễn ra trong một thời gian dài, với cách thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là được giữ bí mật hoặc cố tình che giấu. Chính vì vậy, các cơ quan cạnh tranh gặp khá nhiều khó khăn trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh.

Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh Hoàng Thị Thu Trang cho biết, Luật Cạnh tranh hiện hành chưa có quy định cho phép cơ quan cạnh tranh và các bên được lựa chọn quy trình rút gọn trong điều tra, xử lý vụ việc.

Do đó, sau khi Cục Quản lý cạnh tranh ban hành quyết định điều tra chính thức đối với vụ việc, thì cơ quan cạnh tranh, bên khiếu nại, bên bị điều tra và các bên liên quan phải tuân theo một quy trình tố tụng cạnh tranh đầy đủ cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, vụ việc được chuyển sang Hội đồng cạnh tranh để giải quyết.

Theo bà Trang, quy định như vậy khiến cho trong quá trình điều tra, cơ quan quản lý cạnh tranh không có quyền đình chỉ điều tra. Việc đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền của Hội đồng cạnh tranh. Bên cạnh đó, cơ quan cạnh tranh và các bên cũng không có quyền lựa chọn quy trình điều tra rút gọn, kể cả trong trường hợp bên bị điều tra đã thừa nhận vi phạm, đồng ý chấm dứt hành vi vi phạm, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả…

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong quá trình xử lý vụ việc, không có cơ chế cho phép Hội đồng cạnh tranh và các bên được quyền lựa chọn quy trình xử lý rút gọn. Bất kỳ vụ việc cạnh tranh nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng cạnh tranh cũng đều phải được xem xét, xử lý thông qua phiên điều trần (Điều 98, Luật Cạnh tranh).

Đồng thời, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh đều có thể bị khiếu nại, khởi kiện ngay cả trong trường hợp bên bị điều tra trước đó đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Lãng phí thời gian, nguồn lực

Rõ ràng, việc chưa quy định cơ chế xử lý nhanh hay quy trình, thủ tục rút gọn trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, là chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực của cơ quan cạnh tranh một cách vô nghĩa. Bà Trang nêu ví dụ, chẳng hạn, trong giai đoạn điều tra, nhiều doanh nghiệp trong số các bên tham gia thỏa thuận bị phá sản, giải thể hoặc rút lui khỏi thị trường, cơ quan cạnh tranh gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin, chứng cứ.

Việc cố gắng điều tra hành vi của một phần thị trường đã bị thoái trào sẽ không có nhiều ý nghĩa. Trường hợp khác, trong giai đoạn điều tra, bên khiếu nại đã tự nguyện rút đơn khiếu nại, bên bị điều tra đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả, thì cơ quan cạnh tranh có thể kết thúc điều tra tại thời điểm này, kết luận về hành vi vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý mà không nhất thiết phải tiếp tục điều tra để chứng minh hành vi vi phạm.

Việc cơ quan cạnh tranh phải tuân thủ quy trình tố tụng đầy đủ, như quy định hiện hành là chưa hợp lý, do hành vi vi phạm đã được các bên thừa nhận ngay trong quá trình điều tra. Trong khi đó, thời gian và nguồn lực để thực hiện quy trình này nếu  được sử dụng để điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh khác có thể sẽ hiệu quả hơn.

Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực (tài chính, nhân sự) như Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đến từ Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng của Australia khuyến nghị, cơ quan cạnh tranh cần tối ưu hóa hiệu quả thực thi, nghĩa là bảo đảm sử dụng các nguồn lực sẵn có để điều tra, xử lý được nhiều vụ việc nhất cũng như ưu tiên điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh có tác động tiêu cực lớn hơn.

Song song với các công cụ khác như chương trình khoan hồng, thì cơ chế xử lý nhanh hay quy trình, thủ tục rút gọn được cơ quan cạnh tranh sử dụng nhằm tối ưu hóa hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh. Để khuyến khích áp dụng, công cụ này cũng được thiết kế nhắm vào lợi ích của doanh nghiệp về tài chính, về uy tín, về thời gian (giảm mức phạt; tiết kiệm thời gian, nguồn lực để theo đuổi quy trình tố tụng cạnh tranh…).