Thuốc lá nhập lậu: Càng chống càng tăng, vì sao?

Theo baocongthuong.com.vn

Trước tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn diễn ra công khai, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Trưởng Ban chỉ đạo 398 Quốc gia yêu cầu tất cả các địa phương phải quyết liệt vào cuộc, đồng thời xử lý triệt để các bất cập hiện nay.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá kéo dài.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá kéo dài.

Xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Đưa ra kiến nghị để chống tình trạng thuốc lá nhập lậu, Ban chỉ đạo 389 cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, lập chốt ở khu vực biên giới, các đường mòn lối mở. Đặc biệt, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá nhập lậu qua cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan.

Cùng với đó, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, cơ quan điều tra tăng cường công tác điều tra, trinh sát nắm tình hình, triệt phá các đối tượng đầu nậu, đường dây ổ nhóm buôn bán thuốc lá nhập lậu để khởi tố, truy tố trước pháp luật. Đồng thời, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cư dân biên giới không tham gia hoặc tiếp tay cho việc buôn lậu, vận chuyển hàng nhập lậu.

Tại hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – đánh giá: Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây 2 năm quy định khá toàn diện nhiệm vụ của từng cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, đến nay buôn lậu thuốc lá vẫn chưa có chuyển biến căn bản, có nguyên nhân quan trọng là người đứng đầu các cấp, các ngành chưa tập trung chỉ đạo và đấu tranh quyết liệt với vấn đề này.

Để xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, thanh tra kiểm tra, xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan chức năng chưa làm thường xuyên, quyết liệt, những cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ, thậm chí bao che, tiếp tay cho buôn lậu.

Địa phương nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài, nhức nhối thì người đứng đầu chính quyền địa phương và người đứng đầu các lực lượng chức năng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

“Thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quán triệt và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, tích cực hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Chế tài cần có sự thống nhất

Để áp chế các đối tượng buôn lậu thuốc lá, chế tài cần có sự thống nhất và tính răn đe cao. Theo đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý còn mâu thuẫn gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá. Cụ thể: Sửa đổi khoản 2 điều 7 Thông tư liên tịch số 36 phù hợp với quy định tại khoản 22 điều 1 nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ.

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - cho rằng, nếu chỉ có sự quyết liệt của lực lượng chức năng thôi chưa đủ, chế tài xử lý thuốc lá nhập lậu cần phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới có như vậy công tác chống buôn lậu mới đạt hiệu quả cao.

Hiệp hội kiến nghị sửa đổi BLHS 2015 theo hướng không áp dụng giá trị hàng phạm pháp tối thiểu làm căn cứ để định tội và định khung đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu mà giữ nguyên quy định xử lý hình sự  đối với các hành vi kể trên dựa trên cơ sở số lượng (lớn, rất lớn và đặc biệt lớn) như đang quy định tại BLHS 1999…

Đối với vấn đề tiêu hủy hay tái xuất, nhiều ý kiến cho rằng, để chống thuốc lá nhập lậu có hiệu quả cần tiêu hủy toàn bộ thuốc lá lậu bị tịch thu. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu đề xuất nên chọn phương án tiêu hủy, vì nếu không tiêu hủy sẽ vi phạm Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chưa kể chi phí của việc tái xuất rất lớn khi phải thu gom, giám định chất lượng, vận chuyển và chưa chắc nước nào dám nhập thuốc lá tái xuất.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải - cho biết: Việt Nam đã có thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá thí điểm tai hai năm sau khi nhờ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các sứ quán, kể cả cơ quan chức năng Thái Lan. Vì thời điểm đó có một công ty của Thái Lan thu gom và tái xuất nhưng tất cả con số của nước sở tại không có số liệu nào tái xuất sang. Thậm chí công ty tái xuất thì họ đã giải tán.

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội - cho biết, việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 đang phát huy tác dụng tích cực.

Ngay sau khi có Quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2015/TT-BTC ngày 03/02/2015, hướng dẫn cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá để hình thành Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả (gồm có kinh phí hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu), theo đó nâng mức hỗ trợ kinh phí cho công tác bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả từ 1.100 đ/bao lên 3.500đ/bao 20 điếu, không phân biệt giá các loại thuốc (dự kiến mức này sẽ tăng lên 4.500 đ/bao từ 1/1/2017).

Để đảm bảo công tác chống buôn lậu thuốc lá có hiệu quả, tránh thất thu ngân sách và chảy máu ngoại tệ, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Công an làm việc với Tổng Cục Hải quan và các cơ quan tại những nước mà trước đây các địa phương đã tái xuất thuốc lá lậu sang để kiểm tra xem có đúng thuốc lá lậu có được tái xuất từ Việt Nam sang thị trường đó không? Các công ty nhập khẩu thuốc lá lậu có thực sự tồn tại không hay toàn bộ số thuốc lá lậu đó lại tái thẩm lậu vào Việt Nam? Trên sơ sở các căn cứ đó để đưa ra quyết định tiêu hủy hay tái xuất.