Tiền giả lợi dụng Tết “thoát hàng”

Theo thoibaonganhang.vn

Lợi dụng thời điểm cuối năm nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao, người dân mải mua sắm nên cũng ít để ý kiểm tra lại những tờ tiền khi giao dịch nên các đối tượng buôn bán và tiêu thụ tiền giả đang tích cực “thoát hàng” nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, khi chị Trần Thị Mai (Đào Tấn, Hà Nội) ra ngân hàng gửi 10 triệu đồng vào tài khoản cho vợ chồng cô em để sắm Tết thì nhân viên ngân hàng phát hiện trong loại tiền mệnh giá 200 nghìn đồng chị đem đi gửi có 1 tờ là tiền giả.

Cô nhân viên ngân hàng mới hỏi chị có biết là tiền giả không thì chị mới ngớ người. Chị Mai nghĩ mãi cũng không nhớ được mình nhận tờ tiền giả ấy từ lúc nào, từ ai, mà chỉ mang máng là cũng cách đây không lâu...

Lợi dụng thời điểm cuối năm nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao, người dân mải mua sắm nên cũng ít để ý kiểm tra lại những tờ tiền khi giao dịch nên các đối tượng buôn bán và tiêu thụ tiền giả đang tích cực “thoát hàng” nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi.

Đón đầu “mùa kinh doanh tiền giả”, các cơ quan chức năng cũng vào cuộc. Thời gian gần đây nhiều đối tượng buôn bán tiền giả số lượng lớn đã bị bắt giữ, chủ yếu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nơi các đối tượng tiếp nhận nguồn hàng tiền giả từ Trung Quốc chuyển về.

Ngày 25/12/2016, lực lượng An ninh Kinh tế và An ninh Điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 2 đối tượng buôn tiền giả là Phạm Thanh Khiêm (sinh năm 1994, trú tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) và Nguyễn Vũ Linh (sinh năm 1993, trú tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) khi đang vận chuyển hơn 400 triệu đồng tiền giả về đến khu vực Trạm Cốc Nam (Lạng Sơn).

Ngày 21/12/2016, tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn bắt đối tượng Đỗ Trọng Thủy (sinh năm 1986 thường trú tại xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) mang theo số tiền 99.200.000 đồng là tiền giả. Cùng ngày, đối tượng Phạm Thành Chung (sinh năm 1984, trú tại Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, Thái Bình) cũng bị bắt khi đang chuẩn bị mang số tiền giả gần 100 triệu đồng về Thái Bình tiêu thụ…

Các đối tượng bị bắt liên quan đến vận chuyển tiêu thụ tiền giả đều khai nhận đã vượt biên sang Trung Quốc mua tiền giả về Việt Nam tiêu thụ nhằm ăn chênh lệch. Nhất là trong dịp Tết lượng tiền giả dễ dàng tiêu thụ hơn bởi người dân lo sắm Tết và buôn bán với số lượng lớn dẫn đến khó phát hiện tiền giả. Không chỉ đem tiêu thụ tại các thành phố lớn, các đối tượng còn đem tiền giả tiêu thụ tại địa bàn nông thôn, miền núi, nơi mà người dân mất cảnh giác hoặc không có hiểu biết thông tin về tiền giả.

Một “biến tướng” của buôn bán, tiêu thụ tiền giả khác là gần đây, rất nhiều trang rao vặt hay trên Facebook đăng tải thông tin về bán tiền giả công khai với các lời mời hấp dẫn như giống tiền thật 98%, tiêu xài thoải mái không bị lộ, giá rẻ giật mình…

Các đối tượng này hướng dẫn cách thức mua tiền giả cũng hết sức đơn giản, chỉ cần nhắn tin cho chủ tài khoản, người bán sẽ tư vấn trực tiếp và thông báo giá cả cho khách. Sau đó yêu cầu người mua chuyển khoản và sẽ chuyển hàng qua đường bưu điện.

Tuy nhiên, nạn rao bán tiền giả trên mạng xã hội được cho là hình thức lừa đảo, lợi dụng lòng tham hám lợi để lừa tiền đặt cọc. Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an), Cục đã bắt được một đối tượng rao bán tiền giả trên Facebook.

Sau khi bị bắt, điều tra xét hỏi thì thực tế đối tượng này không có tiền giả để bán, mà đó chỉ là chiêu thức lừa đảo những người có lòng tham. Chính vì vậy, cục cũng cảnh báo người dân không được tham gia tiêu thụ tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật và dính bẫy lừa đảo của các đối tượng.

Vấn nạn tiền giả đang gây nhức nhối trong xã hội, nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến người dân mà còn gây khó khăn cho các cơ quan chức năng về quản lý tiền mặt lưu thông trên thị trường. Chính vì vậy nên các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ tiền giả. Theo đó, ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn các hành vi về in ấn, buôn bán và tiêu thụ tiền giả.

Đồng thời đưa ra những khuyến cáo và tuyên truyền các cách thức phân biệt tiền giả, tiền thật để người dân nâng cao ý thức cũng như phân biệt được tiền thật để tránh rơi vào trường hợp bị dính tiền giả, nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm.