Tiền lệ xấu cho ngân hàng

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - một “nạn nhân bất ngờ” trong vụ án Huyền Như - có ký hợp đồng ủy thác với Vietinbank. Theo chỉ định của hợp đồng, số tiền 7 tỉ đồng bà Tuyến chuyển trực tiếp từ ngân hàng sang tài khoản của Công ty Vân Dung. Bà Tuyến thật thà nói lý do gửi tiền ngân hàng là vì “giữ trong nhà không an toàn”.

Bất cứ ai gửi tiền vào ngân hàng cũng có nguy cơ trở thành một “bị hại” của kẻ lừa đảo nào đó mà họ không hề hay biết. Nguồn: internet
Bất cứ ai gửi tiền vào ngân hàng cũng có nguy cơ trở thành một “bị hại” của kẻ lừa đảo nào đó mà họ không hề hay biết. Nguồn: internet

Ngay khi vụ Huyền Như vỡ lở, bà Tuyến tìm lãnh đạo Vietinbank để hỏi về số phận những đồng tiền mà mình gửi, thì được "an ủi" rằng: Tiền không đi đâu mất mà sợ!

Nhưng rồi, vòng vèo thế nào mà bỗng dưng bà Tuyến được mời tới tòa với tư cách là nạn nhân của… Huyền Như - người mà bà cho rằng “Tôi không làm ăn gì với Huyền Như, không gửi tiền cho Huyền Như, cũng không biết Huyền Như là ai”.

Hợp đồng với ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản do ngân hàng ủy thác, và bỗng nhiên trở thành nạn nhân của một người mình chẳng biết là ai. Có lạ không? Giờ đây, gia cảnh người phụ nữ ấy tan nát, phải ở nhà thuê và nguy cơ trắng tay nhãn tiền trước mắt. Nhưng oan ức nhất là bà bị buộc phải làm nạn nhân bất đắc dĩ của người mà mình chẳng liên quan.

“Vietinbank phải trả tiền”- bà Tuyến chỉ có một yêu cầu đơn giản và chính đáng như thế.

Nhưng Vietinbank không nghĩ thế. Trả lời trên báo chí, một lãnh đạo Vietinbank đã khẳng định đanh thép: Vietinbank không liên quan tới vụ việc và cũng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo ông này, đây là việc lừa đảo của cá nhân Huyền Như, bởi: "Tiền thực tế chưa vào đến ngân hàng đã rẽ sang chỗ khác”!

Vụ việc Huyền Như đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, không phải là sự tò mò với phương thức mà nhân viên ngân hàng này lừa đảo, mà là mối băn khoăn của những người đang gửi tiền ở ngân hàng.

Ít hôm trước, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao Đinh Văn Quế cho rằng: Đối với các khoản tiền của khách hàng gửi tại Vietinbank, từ một hợp đồng hợp pháp và sau đó, Huyền Như mới dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền từ ngân hàng ra, thì hành vi của Huyền Như không phải là hành vi lừa đảo, mà có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Là bởi “Khi các đơn vị, cá nhân đã gửi tiền vào ngân hàng nào thì ngân hàng đó phải có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng khoản tiền này và có nghĩa vụ trả gốc, lãi cho khách hàng theo thỏa thuận”.

Câu chuyện xác định tội danh vì thế không chỉ là cái tên “tham ô” hay “lừa đảo”, vì nó liên quan đến số phận người gửi tiền có đòi lại được tiền từ phía ngân hàng?

Tin mới nhất là phía tòa án cho biết sẽ xem xét kiến nghị buộc Vietinbank trả tiền của các nguyên đơn, bị hại. Vụ Huyền Như ẩn chứa trong nó không chỉ là quan hệ của một vài khách hàng với Vietinbank, mà còn liên quan đến vấn đề niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng.

Nếu vẫn nhìn nhận như quan điểm của cáo trạng cũng như của Vietinbank, thì chắc chắn bản án này sẽ trở thành một “tiền lệ” xấu cho ngân hàng, bởi bất cứ ai gửi tiền vào ngân hàng cũng có nguy cơ trở thành một “bị hại” của kẻ lừa đảo nào đó mà họ không hề hay biết.