Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hành vi gian lận, chiếm đoạt thuế

PV.

(Tài chính) Tiếp nối những kết quả đáng ghi nhận, trong thời gian qua, ngành Tài chính tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống các hành vi gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt thuế việc hoàn thuế giá trị gia tăng, chống các hoạt động chuyển giá để tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN)...

Những kết quả tích cực

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, cơ quan Thuế, Hải quan đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận, trốn thuế, chống chuyển giá...; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra, chống rửa tiền, quản lý thị trường, chống buôn lậu...) tăng cường công tác quản lý thu, đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, hoàn thuế sai quyết định, truy thu, truy hoàn cho NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 20.708 doanh nghiệp (DN) và kiểm tra 732.578 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.089,04 tỷ đồng, trong đó: truy thu, truy hoàn là 2.594,6 tỷ đồng; tiền phạt là 909,8 tỷ đồng; tiền thuế điều chỉnh qua kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế là 584,7 tỷ đồng. Số tiền thuế đã nộp NSNN là 2.532,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, chống chuyển giá cũng đã được tăng cường. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 361 DN lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động liên kết. Qua đó đã truy thu, truy hoàn và xử phạt 287,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 17,6 tỷ đồng, giảm lỗ là 1.232,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan cũng đã tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế đối với hoạt động kinh doanh nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và gia công cho thương nhân nước ngoài, loại hình ưu đãi đầu tư; hàng xuất nhập khẩu là thuốc tân dược và thiết bị y tế... Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã triển khai thực hiện 17 cuộc thanh tra chuyên ngành. Tổng số tiền kiến nghị truy thu là 2.500 triệu đồng, đã thu nộp NSNN 11.899 triệu đồng (bao gồm thu từ số kiến nghị của năm trước).

Bên cạnh công tác thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm tra sau thông quan và đã được một số kết quả đáng ghi nhận. Tổng số cuộc đã kết thúc kiểm tra sau thông quan là 660 cuộc, truy thu 210,3 tỷ đồng (bằng 69% cùng kỳ năm 2013), trong đó bao gồm 17,1 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính, phạt chậm nộp; đã thực thu vào NSNN (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước) 184,1 tỷ đồng (bằng 72% cùng kỳ năm 2013), trong đó bao gồm 32,6 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính, phạt chậm nộp...

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Tổng cục Thuế, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các đối tượng nộp thuế có hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng (GTGT) như: ghi nhận doanh thu không đúng trong kỳ tính thuế; Kê khai doanh thu và thuế GTGT đầu ra theo tỷ giá quy đổi thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh doanh thu; không xuất hóa đơn, không kê khai thuế GTGT đầu ra đối với khối lượng công việc xây dựng, lắp đặt đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao; không xuất hóa đơn, không kê khai thuế GTGT đầu ra đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu tặng; Không hạch toán doanh thu vào sổ sách kế toán để trốn thế (khai thác tài nguyên, kinh doanh ăn uống, kinh doanh vận tải...

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật như quy định cho phép các DN được tự in, sử dụng hóa đơn; điều kiện thành lập DN thông thoáng... để thành lập nhiều "DN ma" mà chủ DN là những người cùng gia đình, họ hàng đứng tên thành lập, mua bán hóa đơn lòng vòng với nhau nhằm kê khai khấu trừ, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của nhà nước.

Để khắc phục, mới đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số giải pháp trong tâm như: Một là, hoàn thiện cơ chế chính sách thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế; Hai là, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; Ba là, bố trí cơ cấu lại nguồn nhân lực, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ ở cơ quan thuế các cấp; Bốn là, đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính thuế và công tác hiện đại hoá, kê khai thuế qua mạng, phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng; Năm là, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm về thuế.

Trong khi đó, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chống chuyển giá, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp như: xây dựng quy định và quy trình phù hợp, hiệu quả hơn về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực chống hoạt động chuyển giá; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin quản lý giá chuyển nhượng tập trung thống nhất trong cả nước; Tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, sự chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp.