Tín dụng đen: Xử lý của pháp luật chưa đủ sức răn đe

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Mức độ các vụ vỡ nợ liên quan tới tín dụng đen ngày càng tăng cả về số quy mô và mức độ nghiêm trọng. Ngân hàng và doanh nghiệp (DN) cần có tiếng nói chung và sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan hữu quan để ngăn chặn tình trạng này.

Tín dụng đen: Xử lý của pháp luật chưa đủ sức răn đe
Dịch vụ cho vay ngoài hệ thống tổ chức tín dụng được quảng cáo công khai. Nguồn: internet
Với hàng loạt vụ vỡ nợ liên quan tới tín dụng đen thời gian gần đây, mà đỉnh điểm là vụ hai đối tượng Nguyễn Văn Trung – Tạ Bích Liên (số nhà 33 đường Bà Triệu, TP. Lạng Sơn) vừa bị bắt khi hàng chục nạn nhân tố cáo cặp vợ chồng này “ẵm” hàng trăm tỷ đồng rồi bỏ trốn đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tệ nạn này. Mức độ các vụ vỡ nợ liên quan tới tín dụng đen ngày càng tăng cả về số quy mô và mức độ nghiêm trọng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 128 vụ lừa đảo, 124 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Tội phạm từ tín dụng đen có 4 vụ giết người, 28 vụ cướp tài sản, 98 vụ cưỡng đoạt tài sản, 55 vụ hủy hoại tài sản.

Tại diễn đàn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, vấn đề tín dụng đen cũng đã được đại biểu Quốc hội quan tâm. Ông Đặng Ngọc Quỳnh – đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đặt vấn đề: Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn, hiệu quả thấp.

DN muốn vay vốn mà không đủ điều kiện vay ngân hàng. Bản thân ngân hàng muốn cho vay mà không dám vì rủi ro cao. Trong khi đó, hoạt động tín dụng ngoài luồng (có người gọi là tín dụng ngầm) lại được ước tính lên đến 50 tỷ USD. Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm trong nền kinh tế. Ngân hàng và DN cần có tiếng nói chung và sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan hữu quan để ngăn chặn tình trạng này.

Với vai trò đảm nhiệm cung ứng vốn cho nền kinh tế, trước thực trạng này, trong văn bản giải trình làm rõ thêm vấn đề đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh nêu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, tín dụng ngầm hay còn gọi là tín dụng đen là hoạt động kinh doanh sai pháp luật, gây rủi ro lớn cho cả người cho vay và người đi vay, ảnh hưởng không tốt đối với an ninh trật tự xã hội.

Về nguyên nhân sự tồn tại của tín dụng đen, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, với người cho vay chủ yếu là vì được hưởng lợi từ lãi suất cao, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp khó khăn và kém hiểu biết pháp luật. Đối với người đi vay, một số để cho vay lại nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực mạo hiểm hoặc cố tình lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Và trong một số ít trường hợp, do gặp khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nên phải vay tín dụng đen với thủ tục đơn giản hơn nhưng phải chịu mức lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, việc xử lý của pháp luật chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn tình trạng này.

Để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, NHNN cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, tăng cường biện pháp xử lý về hành chính, dân sự và kể cả khởi tố hình sự đối với từng trường hợp cụ thể tùy theo mức độ vi phạm, đặc biệt là các trường hợp làm trung gian huy động vốn trái phép hoặc cho vay nặng lãi theo quy định tại Bộ luật hình sự.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường thông tin tuyên truyền về pháp luật và các vụ việc đã và đang xảy ra, để người dân hiểu biết và tự bảo vệ tài sản của mình.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, phối hợp với các cơ quan chức năng để hạn chế tệ nạn này, ngành Ngân hàng đã và đang tăng cường tuyên truyền cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến người dân; Đổi mới chính sách cho vay theo hướng thông thoáng, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) chủ động tiếp cận và hướng dẫn người dân làm thủ tục vay, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay.

Bên cạnh đó, NHNN đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các NHTM, nâng cao chất lượng tài chính, chất lượng cán bộ, mở rộng mạng lưới, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, tăng khả năng mở rộng cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của tổ chức kinh tế và dân cư, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Đặc biệt, nhiều vụ tín dụng đen xảy ra ở những vùng nông thôn, có thể có nguyên nhân do người dân chưa biết địa điểm giao dịch của các NHTM, hoặc biết nhưng chưa trực tiếp tiếp cận các dịch vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Thống đốc NHNN cho biết, ngành Ngân hàng đã có giải pháp mở rộng mạng lưới hoạt động bao gồm cả NHTM và Ngân hàng Chính sách xã hội, các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, có chính sách khuyến khích các ngân hàng mở rộng mạng lưới phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

“Ở những nơi có đủ điều kiện, NHNN cho phép thành lập các Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô (như: Tình thương, Hội Phụ nữ...) để huy động và cho vay vốn đối với thành viên” – Thống đốc nhấn mạnh.