Trắng tay vì tín dụng đen

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Thời gian gần đây, câu chuyện vỡ hụi ở chợ Đông Ba, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang gây sự chú ý đối với dư luận. Nhiều người đứng ngồi không yên vì khoản tiền hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng góp hụi của mình bỗng dưng “bốc hơi”.

Trắng tay vì tín dụng đen
Nhiều người đứng ngồi không yên vì tiền góp hụi của mình bỗng dưng “bốc hơi”. Nguồn: internet

Thượng tá Đặng Ngọc Sơn (Công an TP. Huế) cho biết, Cơ quan điều tra Công an TP. Huế nhận được nhiều đơn của các tiểu thương ở chợ Đông Ba tố cáo bà Đoàn Thị Mai Trâm, trú tại số nhà 297 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế giật hụi với số tiền lên đến gần 20 tỷ đồng…

Bà Đoàn Thị Mai Trâm cầm tiền hụi ở chợ đã hơn 20 năm nay. Bên cạnh “thâm niên” cầm hụi, bề ngoài bà Trâm cũng gây nhiều thiện cảm, tin tưởng cho người khác khi ăn mặc giản dị, ăn nói nhẹ nhàng… Bà Trâm thường thanh toán sòng phẳng lãi, tiền bốc hụi nên tạo niềm tin cho nhiều người. Đặc biệt, lãi rất cao từ 10 - 20%/tháng…

Do vậy, ngoài việc tham gia đường dây hụi do bà Trâm đứng đầu, nhiều người còn cho chủ hụi này vay với số tiền hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.

Điển hình, ông Nguyễn Tín, trú tại số 43 đường Trần Nguyên Hãn, phường Thuận Hòa, TP. Huế cho biết, trước đây gia đình ông từng kinh doanh tại chợ Đông Ba, có quen biết bà Trâm. Đầu năm 2013, ông cho bà Trâm “mượn” 2 tỷ  đồng, cuối năm ông tiếp tục cho vay thêm 500 triệu đồng. Và mới đây nhất, vào cuối tháng 5/2014, ông còn cho bà Trâm vay tiếp 384 triệu đồng nữa. Việc bà Đoàn Thị Mai Trâm bỏ trốn khỏi địa phương đã đẩy gia đình ông Tín vào cảnh nợ nần chồng chất.

Không riêng gia đình ông Tín, việc bỗng dưng biến mất của bà Trâm cùng số tiền vay đã đẩy nhiều tiểu thương ở chợ Đông Ba rơi vào hoàn cảnh bi đát. Bà Lê Thị Kim Chi, sau khi “chọn mặt gửi vàng” đã góp 30 triệu đồng tiền hụi, đồng thời cho bà Đoàn Thị Mai Trâm vay 100 triệu đồng, mỗi tháng được trả 2 triệu đồng tiền lãi. Đến nay, khoản tiền đó không biết bao giờ mới lấy lại được… Tương tự, nhiều người đứng trước cảnh trắng tay, mất sạch tài sản sau nhiều năm chắt chiu.

Trong số những nạn nhân của bà Trâm, có lẽ hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Thùy Trang là éo le nhất. Năm 2011, qua lời hứa trả lãi suất 20%/tháng, bà Trang đã tin tưởng cho bà Trâm mượn số tiền 85 triệu đồng. Năm 2013, chồng bà Trang bị ung thư phổi phải vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Số tiền lãi hàng tháng từ bà Trâm trả, bà đủ chi trả viện phí và lo cho các con.

Đầu năm 2014, bà Trâm không trả lãi nên bà đành phải vay mượn tiền để lo cho chồng và 3 đứa con nhỏ. Khi bệnh tình của người chồng vào giai đoạn cuối, bà Trang nhiều lần tìm đến nhà để lấy lại số tiền 85 triệu đồng nhưng vẫn không được.

Đến khi chồng mất, bà Trang phải vay mượn của họ hàng, láng giềng để lo đám tang cho chồng… Tương tự, bà Lê Thị Hồng Vân, một tiểu thương khác ở chợ Đông Ba, gom góp được 300 triệu đồng gửi hết cho bà Trâm mà không hề nghi ngờ. Cho đến khi bà Trâm bỏ trốn, bà Vân rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Theo ông Nguyễn Minh, Phó trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, do bà Đoàn Thị Mai Trâm không phải là tiểu thương có quầy hàng buôn bán tại chợ nên khi bỏ trốn không có hàng hóa gì để lại. Đặc biệt, căn nhà 297 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế, lâu nay nhiều người cứ ngỡ là tài sản của vợ chồng bà Trâm cũng không phải.

Thực chất đây là ngôi nhà của bố mẹ chồng bà Trâm và giấy tờ đều do những người này đứng tên. Ngoài ra, vợ chồng bà Trâm cũng không có nhà cửa, xe cộ đáng giá tại TP. Huế… Do vậy, việc bỏ trốn của bà Trâm sẽ khiến hàng chục nạn nhân rơi vào cảnh trắng tay.