Tránh rủi ro “người ngay chết thay người gian”, cách nào?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) "Môi trường pháp lý hiện nay cũng dễ làm cho người ngay chết thay người gian và kẻ độc ác, gian trá dễ đẩy tội cho người ngay thẳng, tử tế".

    ĐTCK số ra ngày 12/8 có bài phản ánh về rủi ro pháp lý đối với cá nhân trong các DN, từ nhân viên cho tới vị trí cấp cao. Làm thế nào để phòng tránh loại rủi ro khó nhận biết và khó tránh này? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico.

    http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_08_20/20130819091212Truong-Thanh-Duc.jpg
    Luật sư Trương Thanh Đức

    Thưa ông, có nhiều vụ án mà nhân viên, giám đốc DN phải chịu trách nhiệm hình sự. Có thể có sự chủ định phạm tội như “thụt két”, “mượn” quỹ, nhưng cũng có trường hợp bị liên lụy bởi hành vi phạm tội của cá nhân khác. Liệu có phải mọi trường hợp đều đáng tội?

    Thực tế, có nhiều trường hợp không đáng tội, thậm chí có thể coi là một dạng “oan”. Đặc biệt, trong không ít vụ án, thủ phạm chính phạm tội lừa đảo, phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hành vi chiếm đoạt và phải bồi thường thiệt hại, nhưng nạn nhân bị lừa đảo lại bị truy tố về hành vi cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Họ có sai sót, vi phạm, nhưng thường là những lỗi nhỏ, không quan trọng và không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát hay có vai trò không thể thiếu để tội phạm hoàn thành hành vi chiếm đoạt tài sản. Theo tôi, xét cả về pháp lý và đạo lý, họ chỉ là nạn nhân, là người bị hại, không có tội cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm.

    Nếu có tội, thì chỉ có thể xem xét theo hướng là hành vi giúp sức, thông đồng với tội phạm lừa đảo. Còn đã không chứng minh được hành vi đồng phạm lừa đảo, thì những vi phạm, sai sót trong trường hợp đó chỉ nên xử lý về mặt hành chính.

    Ông đánh giá nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

    Theo tôi, có 3 nguyên nhân. Trước hết là do quy định của pháp luật về tội phạm cũng như việc xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong từng vị trí công việc không rõ ràng. Thứ hai là do sự nhìn nhận, đánh giá của các cơ quan pháp luật đôi khi không chính xác, không sòng phẳng, không công bằng. Cuối cùng là do sự thiếu hiểu biết, sự dễ dãi, đơn giản của các cá nhân và tổ chức liên quan, làm sai mà không biết rằng sai, hoặc có khi biết nhưng cứ làm theo cách mà “cả làng vẫn làm thế”. Không xảy ra việc gì thì thôi, nhưng nếu có thất thoát, thiệt hại thì khó thoát được trách nhiệm.

    Có thể nói, rủi ro pháp lý là loại rủi ro “mờ” nhất, khó nhận biết và khó tránh nhất, vì nó khó nhận dạng và đánh giá hơn các loại rủi ro khác, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, phức tạp, rắc rối, bất cập như hiện nay.

    Một số vụ việc mang tính chất kinh tế, dân sự, nhưng cơ quan điều tra lại vào cuộc. Ông có nhận xét gì?

    Môi trường pháp lý thiếu rõ ràng, minh bạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, đồng thời dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng biện pháp hình sự, tố cáo tội phạm với cơ quan công an để gây sức ép mạnh, hòng xử lý cho nhanh chóng, trong khi bản chất là quan hệ kinh tế, dân sự hoặc lao động.

    Môi trường pháp lý hiện nay cũng dễ làm cho người ngay chết thay người gian và kẻ độc ác, gian trá dễ đẩy tội cho người ngay thẳng, tử tế. Đôi khi pháp luật bị lợi dụng để trừng phạt nạn nhân, đồng thời là thủ phạm bất đắc dĩ.

    Các rủi ro pháp lý có thể phân loại, nhận dạng như thế nào, thưa ông?

    Có thể phân loại thành 3 loại rủi ro pháp lý: phạm vào điều tuyệt đối cấm kỵ, phạm vào điều sai sót nhưng cho rằng không rủi ro và phạm vào điều mà nghĩ là đúng, không hề biết là sai sót.

    Người ta ít khi vi phạm điều cấm kỵ không được phép làm và nếu như vi phạm thì đương nhiên phải sẵn sàng chấp nhận trả giá. Điều đáng nói là phạm vào hai loại sau, do nghĩ rằng đó là việc có thể làm, thậm chí là việc nên làm. Không ít quy định pháp luật hiện nay làm cho người ta khó phân biệt được giữa việc không thể và việc có thể, đặc biệt là việc có thể làm nhưng khi nào thì không có rủi ro, rủi ro thấp và rủi ro rất cao.

    Theo ông, làm sao để các cá nhân có thể tự mình quản trị được những rủi ro pháp lý này, hay nói đơn giản là có những nguyên tắc nào cần được đặt ra để tránh nguy cơ đứng trước vành móng ngựa?

    Mỗi cá nhân phải tự giữ mình và tự cứu mình trước vô vàn rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Trước khi làm một việc bất kỳ, hãy nghĩ đến lợi hại thiệt hơn, đến hậu quả lớn nhất có thể xảy ra là gì và hãy cân nhắc có chấp nhận sự trả giá hay không. Những điều cấm đoán nguy hiểm, những hành vi phạm tội rõ ràng thì tuyệt đối không làm. Những hành động chẳng biết đúng sai thế nào, hoặc dễ dẫn đến nguy hại, nằm ngoài vòng kiểm soát của mình, thì cũng không nên làm. Chỉ những gì thật đúng theo đúng quyền hạn, hoặc bảo đảm an toàn về trách nhiệm tiền bạc thì mới làm. Với mọi vấn đề pháp lý, cần suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Nếu còn băn khoăn với việc làm đó thì nên tìm đến sự trợ giúp của luật sư hoặc người tin cậy và có nhiều kinh nghiệm. Tất nhiên, không có cách nào loại trừ được mọi rủi ro, kể cả chọn cách không làm gì cả. Tuy nhiên, mất việc, mất lương, mất lòng chỉ là mất ít, vì còn may mắn, tốt hơn vạn lần so với việc phải rơi vào vòng lao lý, tù tội là mất tất cả.