Trung Quốc cấm nhập rác thải, Việt Nam đối mặt với nguy cơ trở thành "bãi rác của thế giới"

PV. (Tổng hợp)

Trung Quốc đang cấm nhập phế liệu vào nước này, khiến nguy cơ phế liệu sẽ nhập ồ ạt vào Việt Nam. Thời gian qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống. Thực tế cũng cho thấy, hàng ngàn container rác thải phế liệu hiện đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam, khiến cơ quan chức năng không khỏi đau đầu.

Các nước phát triển thải ra một lượng rác thải công nghệ khổng lồ.
Các nước phát triển thải ra một lượng rác thải công nghệ khổng lồ.
Diễn biến phức tạp
Kinh doanh phế liệu là một ngành siêu lợi nhuận nên các DN tại các nước đang phát triển đã nhập về một số lượng không nhỏ số rác thải công nghệ từ các quốc gia phát triển.
Trung Quốc là một trong những quốc gia từng nhập rác thải phế liệu để tái chế lớn nhất thế giới, Tuy nhiên, đứng trước hiểm họa về môi trường, Trung Quốc đã thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1/1/2018. Do đó, một lượng lớn rác thay vì được nhập khẩu vào Trung Quốc hiện nay lại đang tìm đường vào các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Đánh giá của cơ quan hải quan cũng cho thấy, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống. Việc Trung Quốc đang cấm nhập phế liệu dự báo sẽ khiến phế liệu sẽ nhập ồ ạt vào nước ta, khiến Việt Nam có nguy trở thành bãi rác của thế giới.
Trên thực tế, cơ quan hải quan cũng đã rất nhiều lần tiến hành khám xét và phát hiện các loại rác, phế liệu được nhập khẩu về Việt Nam. Điển hình, ngày 13/6 vừa qua, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng tiến hành khám xét 3 container nhựa phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Kết quả kiểm tra cho thấy, hàng hóa thực nhập trong các container là phế liệu nhựa từ vỏ các thiết bị điện tử, là mặt hàng không đủ điều kiện nhập khẩu.

Theo số liệu ghi nhận của báo Diễn đàn DN từ Cục Hàng hải Việt Nam, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển, tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam hiện là 27.944 container. Trong đó, khu vực cảng biển Hải Phòng có 6.753 container; khu vực cảng biển TP. Hồ Chí Minh có 14.658 container; khu vực cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu có 6.533 container.
Hay như trước đó, trung tuần tháng 3/2018, tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc Tổng cục Hải quan, C74 Bộ Công an và PC 46 công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 2 container khai báo là phế liệu nhựa nhập khẩu, phát hiện chứa hơn 30 tấn bo mạch điện tử các loại đã qua sử dụng. Đây là hàng hóa thuộc danh mục hàng chất thải nguy hại cấm nhập khẩu...
Hiện nay, các container phế liệu tồn đọng chủ yếu bị các cơ quan chức năng phát hiện tập trung tại một số cảng biến lớn, chủ yếu là Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Rác thải chủ yếu là các loại dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, phế liệu nhựa... Đáng lo hơn, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy lớn hơn nữa đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường về Việt Nam.
Doanh nghiệp tham, hại đất nước
Theo quy định của Thông tư số 41 ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về môi trường.
Tuy nhiên, vẫn có các doanh nghiệp (DN) lợi dụng khai sai về tên hàng, mã số hàng hóa để gian lận về chính sách nhập khẩu hoặc sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất giả trong việc làm thủ tục hải quan.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhập rác thải về Việt Nam là lỗi của DN trong nước, nguyên nhân lớn hơn xuất phát từ lòng tham của DN Việt. Cụ thể, việc xử lý rác thải độc hại ở nước ngoài là vấn đề lớn, cần chi phí cao. Nhiều nước còn phải trả thêm tiền để được mang rác đi. Trong khi đó, chi phí để thuê các DN Việt chở rác về Việt Nam có thể lớn nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1/10 chi phí phải bỏ ra để xử lý rác. 
Thế nên các nước lợi dụng điều này để tranh thủ "đổ rác" về Việt Nam. Trong khi đó, không ít DN Việt vì lòng tham, vì lợi nhuận, nên đã biến các cảng biển của Việt Nam thành bãi đáp rác thải, nhận tiền từ nước ngoài chở rác về đổ đấy, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường Việt Nam cũng như gây nhiều khó khăn, tốn kém trong việc xử lý rác.
Hiện nay, việc xử lý các container tồn đọng kể trên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC. Tuy nhiên, cơ chế thanh lý, tiêu hủy các chất phế thải này rất mất thời gian và tốn kém ngân sách. Việc hàng hoá chậm luân chuyển, tồn đọng tại các cảng biển dẫn tới các DN cảng phải di chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng, làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng; gây ách tắc cảng, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, số hàng này có nguy cơ gây ra hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường. Như vậy, DN được hưởng lợi một chút tiền công chở rác nhưng lại gây thiệt hại lớn cho môi trường và ngân sách.
Kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam

Để kịp thời phát hiện và xử lý, Tổng cục Hải quan yêu cầu chi cục hải quan tất cả các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị địa phương tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có mô tả thông tin trên bản lược khai hàng hóa, đặc biệt là các DN khai tên hàng hóa nhập khẩu ở tờ khai hải quan là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng. Quá trình nhập hàng phải có kê khai và phải qua máy soi của hải quan, nếu phát hiện các mặt hàng rác thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải kiên quyết không cho nhập. 
Về phía cảng, theo các chuyên gia, cũng phải xây dựng nguyên tắc, hàng hóa phải được thanh lý sau 90 ngày cập cảng, nếu sau thời hạn trên chủ tàu không chuyển được đi thì phải trả lại chủ tàu hoặc xử phạt thật nặng.
Mới đây, Cục Hải quan TP. Hải Phòng cũng phát đi thông tin cảnh báo với cộng đồng DN, đề nghị đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận chủ động có biện pháp phù hợp kiểm soát việc ký kết hợp đồng vận chuyển các lô hàng phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, đảm bảo hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu, người nhận hàng phải chịu trách nhiệm.