Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam: 20 năm vẫn ít việc làm

Theo Thời báo Ngân hàng

Nếu ở tòa án, việc xét xử phải công khai, phức tạp, thời gian thường kéo dài, người thụ lý vụ việc sẽ do tòa án chỉ định... thì ngược lại, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ưu điểm là không công khai, phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, doanh nghiệp (DN) được tự do chỉ định trọng tài viên của riêng mình và tự do thỏa thuận về các trình tự, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp như ngôn ngữ trọng tài, địa điểm trọng tài, luật áp dụng...

Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam: 20 năm vẫn ít việc làm
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“98,5% các vụ kiện ra tòa là các tranh chấp thương mại. Các tranh chấp này hoàn toàn có thể giải quyết được bằng trọng tài thương mại nếu các bên đã lựa chọn phương thức trọng tài”, Thẩm phán Phạm Tuấn Anh – Chánh toà Kinh tế, Toà án Nhân dân Hà Nội cho biết.

Theo ông, tố tụng trọng tài nhanh gọn, giảm thời gian và bí mật. Còn tố tụng tại toà nặng nề hơn, thời gian cũng dài hơn, lại phải xét xử công khai, nên với DN một khi đã phải ra tòa sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, hiểu biết về vai trò, ý nghĩa cũng như phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại của DN Việt Nam còn rất hạn chế.

Chính điều này đã tạo nên một “dấu lặng” trong buổi hội ngộ kỷ niệm 20 năm hoạt động của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), khi mà các trọng tài viên của VIAC đã nhắc lại những tình huống “khó có thể cười”. Ví như, văn phòng VIAC (ở ngay tòa nhà của VCCI) từng có người vào để xin một chiếc còi vì thấy biển đề “Trung tâm trọng tài quốc tế mà trọng tài thì sẵn còi”.

Một trọng tài khác cho biết, khi đi công tác địa phương, vì biết anh là trọng tài có người đã nhiệt tình tới làm quen để …“lúc nào có trận cho xin vé! ?”. Những câu chuyện “bi hài” như thế đã phần nào lý giải nguyên nhân tại sao bình quân mỗi năm một trọng tài viên chỉ phải giải quyết 0,5 vụ kiện trong khi một thẩm phán ở tòa án phải thụ lý tới 50 vụ việc.

Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam: 20 năm vẫn ít việc làm - Ảnh 1

Có thể nói, nhiều DN Việt Nam do không có kinh nghiệm nên rất thờ ơ với các điều khoản giải quyết tranh chấp khi thương thảo hợp đồng. “Khi tư vấn giao dịch cho các DN, chúng tôi thường khuyên khách hàng cân nhắc sự bằng và sự hơn giữa trọng tài và tòa án để lựa chọn cơ chế trọng tài cho tối ưu khi đưa điều khoản giải quyết tranh chấp vào hợp đồng”, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho biết.

“Tôi cũng thường tư vấn với DN, với những vụ việc có tính chuyên ngành cao, phức tạp, nếu tố tụng ở tòa sẽ gặp hạn chế, nhưng nếu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với đội ngũ trọng tài viên là các chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực sẽ hiệu quả hơn”, Luật sư Đức nói thêm. Chưa kể như dẫn giải của ông Tuấn Anh, thời gian giải quyết một vụ VIAC thường khoảng 4 tháng nhưng nếu tố tụng ở tòa, tuân thủ đầy đủ các quy trình thủ tục phải mất 12 tháng có khi phải tới vài năm.

TS. Phan Chí Hiếu - Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội - trọng tài viên VIAC đã lưu ý những yếu tố khi quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Đó là: Lợi ích kinh tế mà các bên đạt được; Khả năng duy trì quan hệ hợp tác giữa các bên; Khả năng giải quyết tranh chấp chính xác, nhanh chóng, khách quan; Khả năng thi hành kết quả giải quyết tranh chấp; Khả năng giữ uy tín kinh doanh, bí mật kinh doanh.

Nếu ở tòa án, việc xét xử phải công khai, phức tạp, thời gian thường kéo dài, người thụ lý vụ việc sẽ do tòa án chỉ định... thì ngược lại, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ưu điểm là không công khai, phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, DN được tự do chỉ định trọng tài viên của riêng mình và tự do thỏa thuận về các trình tự, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp như ngôn ngữ trọng tài, địa điểm trọng tài, luật áp dụng...

Chưa kể lợi điểm khác, như ông Lê Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định: phán quyết của trọng tài có hiệu lực như bản án của toà chung thẩm, trình tự thi hành phán quyết cũng giống như thi hành án, lúc cần sẽ được cưỡng chế thi hành như bản án của toà.

Trong thực tế, các vụ kiện tụng, tranh chấp ngày một nhiều lên, xảy ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn. Nhưng như thực trạng “ít việc” của VIAC và các trung tâm trọng tài khác ở Việt Nam cho thấy vấn đề tuyên truyền, phổ biến về phương thức tài phán trọng tài còn yếu, và Chính phủ cũng chưa có sự ủng hộ nỗ lực cho phương thức này

TS. Đặng Xuân Hợp – trọng tài viên của VIAC và cũng là trọng tài viên của SIAC đưa ra hình ảnh so sánh: trên đường từ sân bay về trung tâm Singapore có tới 10 bảng hiệu chỉ dẫn đường đến SIAC.

“Cái thời thu hút đầu tư bằng giá rẻ, bằng tài nguyên đã qua. Giờ đây nhà đầu tư họ tìm đến nơi có môi trường pháp lý tốt, minh bạch. Họ quảng bá, họ chỉ dẫn đến với SIAC là họ quảng bá, họ tuyên truyền cho công lý, giới thiệu họ có một môi trường pháp lý tốt. Hơn nữa SIAC được Chính phủ cấp trụ sở, các trọng tài viên được miễn thuế thu nhập cá nhân”. Singapore, Malaysia và nhiều nước khác đã biết đến điều đó từ lâu.

Trong khi ở Việt Nam, VIAC và đội ngũ trọng tài viên đã làm được nhiều việc, hoạt động trọng tài thương mại đã góp phần xây dựng xã hội công lý nhưng mới chỉ là “trong nhà biết với nhau”, TS. Đặng Xuân Hợp phát biểu. Quảng bá, tuyên truyền để DN, nhà đầu tư đến với trọng tài là việc cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và xã hội. Xây dựng mô hình trọng tài là tạo cho xã hội có nền công lý, và đây là điểm hút đầu tư quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư ngày nay.

Với 150 trọng tài viên là người Việt Nam và người nước ngoài, VIAC đã trở thành một đối thủ cạnh tranh của các trung tâm trọng tài nước ngoài như SIAC (Singapore), ICC (Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế), HKIAC (Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Hồng Kông), AAA (Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ). Gần 1000 vụ kiện, vụ tranh chấp đã được giải quyết, các vụ kiện đến VIAC tăng dần và có độ phức tạp cao, giá trị các vụ kiện cũng có xu hướng gia tăng.