Từng bước đẩy lùi hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn

PV.

Hiện nay, Cục Thuế TP. Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số (Tvan) đẩy mạnh triển khai loại hình hoá đơn điện tử. Đây là một trong những giải pháp tích cực để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, để quản lý và ngăn chặn hành vi gian lận, mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian qua, cơ quan thuế đã tổ chức tập huấn nội dung kiểm soát hóa đơn có dấu hiệu vi phạm đến cán bộ chủ chốt trong khối thanh tra, kiểm tra thuế. Cùng với đó, xây dựng nguyên tắc, quy trình xử lý đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và quán triệt trong toàn ngành. 

Thời gian qua, Cơ quan Thuế triển khai nhiều giải pháp đồng bộ  đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kết hợp với sử dụng phần mềm “đối chiếu chéo hoá đơn” để thực hiện việc phân tích, sàng lọc, kiểm tra chéo dữ liệu DN.

Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội đã yêu cầu các phòng, các chi cục thuế tăng cường công tác kiểm soát hóa đơn không có giá trị sử dụng thông qua công cụ hỗ trợ tra cứu hóa đơn. Qua đó, Cục Thuế đã phát hiện và thông tin cảnh báo đến gần 23.000 nghìn lượt DN, với hàng trăm nghìn số hóa hơn được xác định là có dấu hiệu bất hợp pháp. 

Cùng với việc tăng cường kiểm soát và cung cấp thông tin, cơ quan thuế còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đấu tranh, khởi tố, xử lý các vụ vi phạm điển hình về phát hành, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.

Để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết,  thời gian tới, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai thực hiện hoá đơn điện tử.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trên cơ sở phân tích dữ liệu bảng kê đã thu thập được và kết quả chương trình thanh kiểm tra điện tử, đã thực hiện thí điểm với 60 DN, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục mở rộng triển khai chương trình này với trên 16.000 DN (bắt đầu từ tháng 9/2016).

Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội sẽ xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí nhận diện các DN rủi ro. Trên cơ sở phân tích và tổng hợp, hiện nay, cơ quan thuế đã xác định 3.739 DN có dấu hiệu vi phạm, rủi ro về hoá đơn, đồng thời thông báo tới các phòng, chi cục thuế để kiểm soát. 

Để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn, thời gian tới, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo tới các đơn vị đã mua, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để tự giác kiểm soát, điều chỉnh và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Trường hợp không hợp tác, cố tình vi phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ để cơ quan điều tra phối hợp xử lý.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng,  sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan công an và cơ quan thuế là tiền đề để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm về hóa đơn. Căn cứ kết quả các vụ án đã được cơ quan điều tra kết luận, cơ quan thuế sẽ tiếp tục khai thác dữ liệu để mở rộng nhận diện và phát hiện các vi phạm.