Vạch trần thủ đoạn mới của công ty đa cấp trá hình

Theo nguoiduatin.vn

(Tài chính) Thời gian vừa qua, nhiều bạn sinh viên và người lao động đã phản ánh về hành vi lừa đảo của công ty Cổ phần thiết bị trực tuyến Nam Thiên (địa chỉ SS1N đường Hồng Lĩnh, P.15, Q.10, TP. Hồ Chí Minh). Nhiều người cho rằng, hình thức giới thiệu việc làm và phân phối kinh doanh sim, card, điện thoại của công ty thực chất là hình thức bán hàng đa cấp nhằm lừa đảo.

Vạch trần thủ đoạn mới của công ty đa cấp trá hình
Nhiều hình thức bán hàng đa cấp nhằm lừa đảo. Nguồn: internet

Để tìm hiểu thực hư sự việc, phóng viên đã vào vai sinh viên đi xin việc và có mặt tại công ty trên theo địa chỉ mà một số người bị hại cung cấp và phát hiện ra nhiều chiêu lừa đảo “độc địa”. Khi vào vòng phỏng vấn quá dễ dãi, nhiều người tưởng là cơ may, nhưng thực chất là một bẫy lừa hoàn hảo mà công ty đa cấp đặt ra nhằm lấp liếm khi có sai phạm.

Lời cảnh tỉnh của người dưng

Sau hồi theo dõi công ty từ phía đối diện, hình ảnh trước mắt phóng viên là một tòa nhà ba tầng khang trang, đính một chiếc bảng nhỏ mang tên của công ty Cổ phần thiết bị trực tuyến Nam Thiên ở trước cổng. Mặc dù là ngày thường nhưng đến 15h, cổng công ty vẫn đóng kín, không một bóng người qua lại. Thiết nghĩ có lẽ thời gian qua trên các trang mạng liên tục đưa tin phản ánh thực trạng của công ty, thông tin đã đến tai nhiều người nên công ty đã đóng cửa ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, khi nghe nhiều người dân ngụ gần công ty cho biết thì phóng viên mới biết, giờ làm việc của công ty Nam Thiên buổi sáng bắt đầu từ 7h - 11h, chiều từ 18h - 21h. “Nhìn thì vậy thôi chứ lát nữa người đến nộp hồ sơ xin việc rất đông, xe để chật cả hai bên đường”, anh T.V.T., chủ quán nước cho biết. Quả nhiên không sai, gần 18h, phóng viên đã thấy rất đông người có mặt trước cổng công ty Nam Thiên để chờ được phỏng vấn.

Đa phần những người đến xin việc đều là những sinh viên đang học hoặc mới ra trường. Những người này kinh nghiệm hầu như chưa có hoặc non nớt, khi nghe thông tin tuyển dụng lương cao, không cần kinh nghiệm thì mong muốn đến thử sức. Nhiều người trong số đó là dân tỉnh lẻ với vẻ mặt lo lắng, căng thẳng vì cuộc phỏng vấn sắp diễn ra.

Vỗ vào vai phóng viên, anh T., liền cho lời khuyên: “Em nên đi tìm một công việc khác, thay vì nộp hồ sơ vào công ty này”. Khi phóng viên hỏi lý do vì sao thì anh T. lấp lửng không nói. Bất chợt một anh làm nghề cắt tóc gần đó đã nghe hết câu chuyện của phóng viên nên chen ngang: “Nên đi tìm việc khác đi em, lừa đảo đấy, đừng dại gì mà chui đầu vào, trên mạng nói công ty này lừa đảo nhiều lắm, tốn tiền, mất thời gian, mệt người mà không được gì”. 

Đến lúc này anh T. mới thẳng thắn nói: “Hàng ngày, có biết bao nhiêu lượt người, đa số là sinh viên, có hoàn cảnh khó khăn đến công ty này xin việc làm thêm để trang trải cuộc sống, nhưng chỉ làm được vài bữa là nghỉ. Mỗi lần ra quán uống nước thấy đứa nào cũng kêu trời, vì cách thức làm việc, hành xử của công ty ấy. Có nhiều đứa vì lỡ nghe lời ngon ngọt của công ty mà dốc vào đó bao nhiêu là tiền, giờ nản mà nghỉ làm là mất trắng”.

Người giấu mặt là ai?

Hai tiếng đồng hồ ngồi chờ đợi cũng trôi qua, cánh cửa công ty Nam Thiên đã được mở, mọi người vào phỏng vấn. Lúc này trước cổng công ty chỉ còn loáng thoáng vài người mà chủ yếu là nhân viên. Một thanh niên ăn mặc trông lịch sự nhìn phóng viên với vẻ dò xét. phóng viên cố tỏ vẻ ngây ngô đi xin việc làm và hỏi: “Công ty này có tuyển việc làm phải không anh?”. Người này không trả lời mà một thanh niên với vẻ bề ngoài bặm trợn liền xen vào: “Tới tìm ai hay đi xin việc, nếu xin việc thì chạy xe lên vỉa hè kia”.

Nhìn quanh một vòng, công ty cũng khá khang trang nhưng trong phòng chỉ lèo tèo một vài nhân viên và trên bàn cũng chẳng có một giấy tờ gì giống một công ty thật sự. Đến phòng hướng dẫn, chỉ có một nữ nhân viên lễ tân và một bạn sinh viên ngồi chờ để vào phỏng vấn. Cô nhân viên này bảo có liên hệ với anh Trung hay chưa, phóng viên lắc đầu, cô này liền bảo nộp hồ sơ rồi ngồi chờ.

Trong khi ngồi chờ, phóng viên bắt chuyện với một cô nhân viên công ty với ngoại hình ưa nhìn. phóng viên hỏi: “Công ty đang trong giờ làm việc mà sao chỉ có vài nhân viên vậy chị?”. Cô nhân viên ú ớ chỉ tay lên nói: “Công ty nhiều nhân viên lắm, họ ở trên lầu hết rồi”. Nhưng không nói, phóng viên cũng đoán biết trong giờ làm tối nay không có nhân viên nào trên lầu, hầu hết những nhân viên phỏng vấn đều tập trung ở tầng trệt và lầu một.

Ngồi trong góc khuất gần cầu thang đi xuống là cô kế toán. Theo tìm hiểu của phóng viên thì mục đích sắp xếp kế toán ngồi chỗ đó để tạo sự tin tưởng với những sinh viên tới xin việc. Nhiều người cho rằng có kế toán là có hóa đơn nên yên tâm để đóng tiền. Tuy nhiên không hề có tờ hóa đơn nào được ghi.

Ngồi chờ một lúc chúng tôi thấy có thêm nhiều người vào để nộp hồ sơ, đa số là sinh viên, ngoài ra còn có cả những người đã ở tuổi trung niên. Tất cả họ đều có hẹn trước qua điện thoại với một người tên là Trung sau khi xem thông tin tuyển dụng của công ty trên mạng.

“Anh Trung là ai, thì em cũng không rõ nữa, chỉ thấy trên mạng tuyển nhân viên kinh doanh lương cao, liên hệ với anh Trung và có số điện thoại kèm theo nên em liên hệ, chứ chưa bao giờ gặp ảnh trực tiếp”, N.T.Q., sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Thật ra nhân vật tên Trung là ai, khi được hỏi thì tất cả đều không biết mặt ra sao, và khi đến công ty thì phóng viên cũng không thấy người này. Theo tìm hiểu của phóng viên thì Trung là một tay “cò mồi”, đăng thông tin mình trên mạng chỉ là số điện thoại, để lừa người khác đến nộp hồ sơ. Khi người xin việc đến nói có liên hệ với anh Trung là công ty đưa vào phỏng vấn ngay và không cần phải chờ đợi lâu.

Chiêu mồi chài hấp dẫn

Khi ghi những thông tin trong bộ hồ sơ, phóng viên đã cố tình ghi thật sơ sài, qua loa để xem thử người phỏng vấn có ý kiến gì không. Đúng như phóng viên dự đoán, người gọi phóng viên vào phỏng vấn là một thanh niên chừng 24 tuổi, xem hồ sơ một cách qua loa, đại khái có cái tên xưng hô là được. Khác lạ với hầu hết những công ty  mà phóng viên từng nộp đơn xin việc, điều này làm cho những người xin vào không phải quá bận tâm vì thủ tục nhanh gọn, có giấy tờ này cũng được mà không có cũng xong, nên người xin việc rất dễ bị “cắn câu”.

Quả thật “công nghệ” phỏng vấn của những nhân viên ở đây khiến người ta dễ bị mê hoặc với những lời chào mời, hứa hẹn hết sức hấp dẫn. phóng viên được tuyển vào công ty một cách chóng vánh. Công ty tuyển dụng nhân viên kinh doanh và bán hàng, họ nhanh chóng ấn định cho phóng viên một vị trí bán hàng: “Công việc của bạn là tiếp nhận hồ sơ thanh toán hóa đơn cho khách hàng; mở rộng thị trường và thống kê báo cáo. Bạn chỉ ngồi tại văn phòng dùng điện thoại di động hoặc máy tính để thanh toán cho khách”, người phỏng vấn nói, giọng chắc nịch.

Ngoài ra, người phỏng vấn yêu cầu phóng viên đóng tiền hòa mạng hoặc mua một sim hòa mạng dịch vụ đa phương tiện. Đây được gọi là bộ kích để sau này thanh toán cho khách hàng. Người phỏng vấn đưa ra hai gói cước để tôi lựa chọn, gồm: Bộ kích trị giá 110.000 đồng (sim của phóng viên sẽ được công ty hòa mạng dịch vụ) và bộ kích trị giá 135.000đ (phóng viên được cung cấp một sim mới và mật khẩu để hòa mạng). 

Mặc dù đã biết trước về thủ đoạn cũng như cách thức làm việc của công ty, nhưng để tường tận cụ thể sự việc, phóng viên bóp bụng điền thông tin vào ô sim có trị giá 110.000 đồng. Sau khi mọi thủ tục đã đầy đủ, phóng viên nhận được tờ giấy hẹn hôm sau đến học việc trong vòng ba buổi là có thể chính thức trở thành nhân viên của công ty. Qua quan sát, phóng viên thấy nhiều bạn sinh viên khi ra về cầm tờ giấy hẹn trong tay thốt lên vì sung sướng. Tuy nhiên, họ không biết rằng đó là một cái bẫy hoàn hảo đang rình rập mình”.

Lách luật

Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty Cổ phần thiết bị trực tuyến Nam Thiên chia làm hai ca làm việc mỗi ngày (sáng, tối). Việc làm này nhằm tránh ký hợp đồng lao động với nhân viên vì chưa đủ thời gian làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Như vậy, nếu có khiếu nại về hợp đồng thì công ty không hề hấn gì.