Vấn nạn rượu giả, nhái thương hiệu gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước

Theo Mai Ka/bcd389.gov.vn

Phát biểu tại buổi làm việc với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, hiện nay sản phẩm rượu phi thương mại, rất khó để kiểm soát; bên cạnh đó lượng rượu làm giả, làm nhái và không chịu sự quản lý của Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn so với rượu thật.

Theo quy định, rượu sản xuất trong nước phải dán tem nhưng có rất nhiều sản phẩm rượu bày bán trên thị trường không dán tem gây thất thu ngân sách nhà nước. Ảnh: TH
Theo quy định, rượu sản xuất trong nước phải dán tem nhưng có rất nhiều sản phẩm rượu bày bán trên thị trường không dán tem gây thất thu ngân sách nhà nước. Ảnh: TH

Do thu được lợi nhuận cao, nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong nước đã cố tình sản xuất rượu giả, rượu nhái nhãn các nhãn hiệu rượu cả nội lẫn ngoại nổi tiếng, có uy tín để lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Vì vậy, theo đại diện Công ty Halico, công tác chống rượu giả không chỉ là vấn đề về uy tín và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm đối với sức khỏe người tiêu dùng. Để chống lại tình trạng thật giả lẫn lộn như từng xảy ra đối với thương hiệu Vodka Hà Nội vừa qua, trong lần cải tiến đột phá với sự hợp tác của tập đoàn nước ngoài nổi tiếng và vốn đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất rượu lên tới 50 triệu USD, Halico không chỉ nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng tới tiêu chí an toàn mà còn thay đổi mẫu mã, áp dụng công nghệ dập nổi vỏ chai, nắp chai chuyên biệt, khó có thể bắt chước làm giả được bằng những dụng cụ thông thường.

Chánh Văn phòng thường trực Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế chung nhận định, hậu quả dễ thấy nhất từ vấn nạn rượu giả, rượu kém chất lượng…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, cũng như tác động tiêu cực tới hình ảnh của các doanh nghiệp sản xuất rượu, chưa kể tới uy tín của ngành rượu trong nước nói chung. Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu đã xảy ra trên toàn quốc. Đa số các ca bệnh ngộ độc rượu là do uống rượu trắng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường. 

Hiện quy hoạch ngành rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Nhà nước chủ trương không cấm nhưng có kiểm soát. Trong đó, nấu rượu công nghiệp được khuyến khích để thay thế nấu rượu thủ công, các cơ sở chế biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Đầu tháng 3/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.

Theo đó, để chủ động ngăn chặn các sự cố an toàn thực phẩm tương tự xảy ra trên địa bàn, giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh rượu trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa...

Mặt khác, tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2017 đã quy định rõ điều kiện bắt buộc là các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này.

Riêng các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trước khi mang ra thị trường tiêu thụ, các loại rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp thông tin của các doanh nghiệp cũng như phải có chế tài đủ mạnh để răn đe những kẻ phạm pháp, đẩy lùi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu trái phép. Có như vậy mới có thể ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn bán, vận chuyển, sản xuất hàng hóa trái phép nói chung, rượu giả, rượu lậu nói riêng.