Vẫn nóng hàng nhập khẩu vi phạm sở hữu trí tuệ

Theo baohaiquan.vn

ua xử lý hơn 4.000 vụ việc, thu giữ hàng vi phạm ước 220 tỷ đồng..., lực lượng kiểm soát Hải quan đã phát hiện đối tượng lợi dụng chính sách trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, thậm chí khai báo sai để buôn lậu, gian lận thương mại. Đáng chú ý là hàng NK vi phạm SHTT.

Lực lượng Hải quan tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát. Ảnh: Q.H.
Lực lượng Hải quan tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát. Ảnh: Q.H.


Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nổi lên trên tuyến đường bộ thuộc các tỉnh: Điện Biên; Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp...

Trên các tuyến này, các đối tượng buôn lậu thường là cư dân biên giới thông thạo ngôn ngữ, địa bàn, móc nối với các đối tượng người Trung Quốc để tổ chức thành đường dây buôn lậu. Đặc biệt, xuất hiện một số chủ xe, lái xe khách, xe tải, một số tổ chức, thậm chí cả các cá nhân có hoạt động XNK cũng tham gia vận chuyển hàng lậu. Manh động hơn, các đối tượng buôn lậu ma túy thường sử dụng vũ khí nóng, công cụ tự chế sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Cùng với đó, hoạt động buôn lậu cũng diễn ra khá sôi động trên tuyến đường biển, đường sông quốc tế thuộc các địa bàn: TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, vùng biển Đông Bắc và miền Trung. Tuyến đường biển có lưu lượng hàng hóa rất lớn, nên rất dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam.

Đối tượng vi phạm thường là các thuyền viên, các DN thường xuyên đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm, thường xuyên hủy tờ khai đã được phê duyệt kiểm tra, các DN hoạt động kinh doanh kho ngoại quan và XNK hàng hóa qua kho ngoại quan.

Thể hiện rõ sự quyết liệt trong công tác này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, các đơn vị Hải quan địa phương đã quán triệt, nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên theo từng thời điểm, địa bàn cụ thể. Đó là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Trong đó, lực lượng Hải quan tập trung nguồn lực triển khai cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (theo Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia); tăng cường công tác chống buôn lậu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (theo Kế hoạch 32/KH-VPTT của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia).

Cụ thể, tập trung đấu tranh vào một số mặt hàng cấm, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa tiêu dùng như các mặt hàng có thuế suất cao, rượu, bia, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...

Qua đấu tranh, lực lượng Hải quan đã phát hiện, xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm, thu giữ hàng hóa vi phạm giá trị ước 220 tỷ đồng. Ngoài một số loại mặt hàng vi phạm phổ biến như rượu, bia, thuốc lá..., lực lượng Hải quan còn phát hiện một số mặt hàng có dấu hiệu vi phạm quyền SHTT.

Điển hình là trong tháng 1-2016, Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) – Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, phối hợp phát hiện 2 vụ vi phạm SHTT. Tại khu vực cảng TP. Hồ Chí Minh, Đội 4 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV1- (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) kiểm tra thực tế lô hàng thuộc tờ khai xuất khẩu số 300678893930/B11 của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu "Choco Pie" của ORION CORPORATION. Tang vật vi phạm gồm: 1.200 thùng carton bánh Choco Pie, có trọng lượng 3.825,6 kg.

Tiếp đó, tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Đội 4 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) kiểm tra thực tế lô hàng thuộc tờ khai số 100708808430 của Công ty TNHH MTV Vật tư nông nghiệp Thành Đạt, phát hiện mục hàng số 5 gồm: 1.166 chiếc vòng bi có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa có in dòng chữ Germany và Japan. Qua đấu tranh, Công ty TNHH MTV Vật tư nông nghiệp Thành Đạt đã thừa nhận hành vi NK hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành Thông tư Quy định chế độ đảm bảo thực hiện các biện pháp nghiệp vụ hải quan; Quy định thi hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tiếp tục xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai 3 văn bản Luật có hiệu lực năm 2016 (gồm: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Điều tra hình sự, Luật Hình sự sửa đổi). Tại các địa bàn trọng điểm, lực lượng Hải quan chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong việc chia sẻ thông tin, tuần tra kiểm soát, hiệp đồng tác chiến, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Quý I/2016, lực lượng kiểm soát Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 231 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 220 tỷ đồng; 22 vụ ma túy, tiền chất; 3.695 vụ vi phạm hành chính, 7 vụ vi phạm hàng giả, hàng vi phạm SHTT và 74 vụ vi phạm khác.

Xử phạt vi phạm hành chính: Cảnh cáo 87 vụ; phạt tiền: 3.684 vụ; tịch thu tang vật 148 vụ; hình thức khác: 25 vụ; thu nộp ngân sách hơn 29 tỷ đồng. Lực lượng Hải quan khởi tố 12 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 19 vụ.