Vì sao các biện pháp chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Khảo sát của Worla Bank (WB) về những thách thức trong việc thực hiện phòng chống tham nhũng của Việt Nam cho thấy, 64% cán bộ công chức (CBCC) được hỏi cho rằng, một số CBCC sẵn sàng tiếp tay cho đối tượng tham nhũng và 86% có ý kiến là tâm lý e ngại khi đấu tranh chống tham nhũng còn phổ biến.

Tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Theo WB, mặc dù trong thập kỷ qua, Việt Nam đã có những nỗ lực bền bỉ đấu tranh chống tham nhũng nhưng tham nhũng vẫn còn phổ biến trong phạm vi cả nước. Vì sao các biện pháp phòng chống tham nhũng đã không đạt hiệu quả như mong muốn?

Khảo sát của WB cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. CBCC được hỏi về quan điểm của họ liên quan đến pháp luật và hiệu lực thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng. Đa số tin rằng pháp luật về cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên chất lượng của pháp luật phòng chống tham nhũng còn nhiều vấn đề đáng quan ngại, với khoảng 78% CBCC tin rằng các quy định pháp luật quá chung chung, chỉ mang tính hình thức và nhiều nội dung đã lạc hậu, chậm được điều chỉnh, sửa đổi.

Về hệ thống phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng hiện nay, 92% CBCC đồng ý rằng ít trường hợp tham nhũng bị phát hiện hơn chỉ có nghĩa là tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn mà thôi, chứ không phải tình hình tham nhũng đã thuyên giảm.

CBCC  cũng hoài nghi về hiệu lực thực hiện. 61% đồng ý rằng nếu một địa phương không truy tố được trường hợp tham nhũng nào, là do địa phương đó chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, 75% cho là khả năng tự phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị nhà nước còn yếu.

Đa số CBCC cho rằng thiếu xử lý nghiêm và kịp thời các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng đang gây tâm lý hoài nghi trong công chúng. Đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt thích đáng. Việc xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng sẽ có tác dụng tích cực trong việc răn đe và phòng chống tham nhũng.

Sự tin tưởng về người đứng đầu các cơ quan, đơn vị kiên quyết chống tham nhũng cũng rất thấp. Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị có xu hướng xử lý nhẹ các vụ việc tham nhũng trong cơ quan để giữ uy tín cho cơ quan và bản thân mình. Ở cấp cao hơn người có thẩm quyền chưa thực sự quyết tâm.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng chống tham nhũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng còn yếu kém đã khiến người dân e ngại khi báo cáo các trường hợp tham nhũng. 50% số người được phỏng vấn cho rằng sợ bị trả thù và không tin tưởng vào người có thẩm quyền. Đa số người dân có xu hướng là đối tượng tham nhũng có quan hệ  với người có thẩm quyền. Thiếu tin tưởng vào người có thẩm quyền hay sợ bị trù dập chính là các yếu tố cản trở mạnh trong việc tố cáo tham nhũng.

Từ các phát hiện của cuộc khảo sát WB khuyến nghị, tham nhũng vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp hơn để hạn chế tham nhũng, nhất là trong việc hoạch định chính sách như: tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin thực sự (công khai, minh bạch); đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi hệ thống kê khai, công khai tài sản và thu nhập…