Vì sao phải "hối lộ" để xin việc có lương thấp?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nguyên nhân của tham nhũng không chỉ ở cơ chế, chính sách mà còn ở vấn đề tổ chức cán bộ.

 Vì sao phải "hối lộ" để xin việc có lương thấp?
Doanh nghiệp phải chi các khoản hối lộ để đối phó với sự gây khó khăn của công chức. Nguồn: internet

Theo WB, việc tuyển dụng và đề bạt cán bộ trong cơ quan Nhà nước hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Bên cạnh một tỷ lệ cao người được hỏi tin rằng năng lực và thành tích là hai yếu tố chính trong tuyển dụng và đề bạt cán bộ, thì vẫn còn khoảng 18-19% số người trả lời cho rằng quan hệ với những người có thế lực và sự thân quen đóng vai trò quan trọng, giúp được tuyển dụng và đề bạt.

Mặc dù có ít cán bộ công chức công nhận quà tặng, tiền đóng vai trò quan trọng trong tuyển dụng nhưng nhiều người dân lại cho biết họ, phải chi trả các khoản chi phí không chính thức để xin việc trong cơ quan Nhà nước.

Vấn đề đặt ra là vì sao người dân lại hối lộ để xin việc trong các cơ quan Nhà nước cho dù  mức lương nhận được trong khu vực công rất thấp. Câu trả lời cho thực tế mâu thuẫn này là trong khu vực công có nhiều cơ hội, hoặc động cơ khác để thu hồi được khoản “đầu tư” này thông qua các khoản lót tay hoặc “phong bì”.

Cũng theo khảo sát của WB, gần 80% doanh nghiệp cho rằng “tham nhũng vặt” của cán bộ công chức Nhà nước là rất phổ biến. Tham nhũng vặt được hiểu là việc doanh nghiệp phải chi các khoản tiền hối lộ nhỏ đề đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ công chức hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Nghiên cứu về tình trạng tham nhũng ở lĩnh vực đấu thầu - một lĩnh vực nằm ở trung tâm của sự tương tác giữa doanh nghiệp và Nhà nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng cũng cho thấy bên cạnh cơ chế, thì phẩm chất đạo đức và trình độ của cán bộ là tác nhân gây tham nhũng.

Kết quả khảo sát của WB về quan điểm và trải nghiệm của cán bộ công chức trong lĩnh vực đấu thầu đáng lo ngại. 19,2% cán bộ công chức được hỏi đánh giá việc đấu thầu chỉ là hình thức, 11% cho rằng có sự chạy chọt hoặc thông đồng để thắng thầu và 13,9% nói việc đấu thầu không công khai, minh bạch.

Những con số này còn đáng lo ngại hơn khi hỏi doanh nghiệp, với 26% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đấu thầu chỉ là hình thức, 27%  nói có sự chạy chọt, thông đồng để thắng thầu và khoảng 21% cho rằng đấu thầu không minh bạch.

Điều đáng quan tâm trong nghiên cứu này là trong số các đối tượng nói họ có thông đồng, chạy chọt  để thắng thầu thì có đến 32% cán bộ công chức và 28% doanh nghiệp cũng vẫn nói rằng quy trình là minh bạch, rõ ràng.

Điều đó cho thấy việc hoàn thiện cơ chế đối trọng và kiểm soát  trong quy trình đấu thầu rõ ràng chỉ là một phần của chương trình cải cách phòng chống tham nhũng. Vấn đề quan trọng hơn nữa là phải tăng cường kiểm soát những người chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu, công tác tổ chức cán bộ phải chặt chẽ khi “chọn mặt gửi vàng”.

Do vậy, WB khuyến cáo, kiên trì các nỗ lực tăng cường coi trọng tài năng trong hệ thống công vụ của Việt Nam, để hạn chế “chạy chức” và “mua chỗ”, đồng thời cũng giảm thiểu cơ hội trục lợi trong khu vực này vẫn sẽ là những nội dung quan trọng trong chương trình phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong những năm tới.