Vì sao vàng lậu vẫn có đất sống?

Theo baocongthuong.com.vn

Mới đây, cuối tháng 11/2016, một đối tượng Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) bị phát hiện vận chuyển lậu 18kg vàng 9999, trị giá hơn 16 tỷ đồng. Đối tượng khai nhận đã mang vàng lậu vào Việt Nam 3 chuyến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vận chuyển vàng trái phép vào Việt Nam.

Câu chuyện khiến những ai quan tâm tới thị trường vàng Việt Nam phải đặt câu hỏi: Vì sao vàng lậu vẫn còn đất sống trên thị trường Việt Nam?

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng, hiện nay, vàng vẫn thường xuyên được nhập lậu về và tiêu thụ qua hai kênh: Sản xuất nữ trang và người dân mua để cất giữ - nguồn tiêu thụ lớn của vàng lậu.

Mấy năm qua, do giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá thế giới, có thời điểm lên đến 3-4 triệu đồng/lượng, nên người dân đã chuyển sang mua vàng nhập lậu giá rẻ để cất giữ thay vì mua vàng miếng SJC. Loại vàng này thường dùng làm nguyên liệu sản xuất ra vàng miếng có thương hiệu.

Một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP. Hồ Chí Minh nhận xét: Giá bán vàng SJC có lúc lên đến 35,71 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nguyên liệu nhập lậu chỉ có 33,06 triệu đồng/lượng, chênh lệch quá lớn.

Vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường vàng trang sức nhiều năm qua khiến cho thị trường bị méo mó. Song, có một thực tế đáng quan tâm: Một chuyên gia về kinh doanh vàng tính toán, mỗi năm, trong tổng nhu cầu vàng nguyên liệu trên thị trường, nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20-30%, còn 70-75% là để sản xuất vàng miếng. Mỗi năm, cả nước tiêu thụ 70-100 tấn vàng, có nghĩa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn.

Nhu cầu rất lớn nhưng từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nên doanh nghiệp phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, chấp nhận giá cao, rủi ro lớn, vô tình tiếp tay cho giới buôn lậu vàng thao túng thị trường. Và, vàng lậu vẫn có đất sống.

Theo các chuyên gia kinh tế, chẳng có gì đáng ngại nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, bởi với việc giá vàng trong nước đang biến động sát giá vàng thế giới, hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ tái tạo ngoại tệ, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ. Dĩ nhiên, chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Đó cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp. Việc triệt tiêu đất sống của vàng lậu cần nhiều giải pháp khác quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ.